Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với cử tri quận Thủ Đức sau buổi tiếp xúc ngày 8/5 - Ảnh: Mai Hoa |
Chỉ trong tuần qua, đã có hai phát ngôn gây sốc từ những quan chức vẫn thường được ví như “đầy tớ của dân” khiến dư luận ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì những người có chức vị nhất định trong xã hội lại có thể tuyên bố những điều mà đến người dân thường cũng không nói.
Đó là phát ngôn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP.HCM tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức vào chiều 8/5, khi giải thích việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32,2ha đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai đang ầm ĩ dư luận suốt nhiều ngày qua rằng: “Cô bác nói đây là bán đất công, tôi xin nói lại đây không phải là đất công”.
Lẽ ra, hơn ai hết bà Tâm phải hiểu, người dân thiếu thông tin và họ tư duy đơn giản: Công ty Tân Thuận thuộc Thành ủy TP.HCM và 100% vốn Nhà nước, thì những gì được tạo ra từ đó đương nhiên là tài sản công. Bởi, nếu không phải tài sản công sao phải có ý kiến của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thành ủy mới được bán? Nếu không phải đất công sao Văn phòng Thành ủy TP.HCM lại là cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản và Thành ủy TP HCM lại có quyền chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại?
Dư luận phản ứng dữ dội với phát ngôn này không phải vì họ nghĩ bà chủ tịch không hiểu suy nghĩ của họ mà vì hoài nghi về sự cố ý bao che cho vi phạm.
Một phát ngôn khác cũng gây sốc không kém là câu nói của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế khi đề cập tới đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng rằng: “Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Từ đó, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu”.
Lẽ nào ông Phụng không hiểu rằng, với người dân, điều quan trọng nhất trong việc đóng thuế là khoản thuế đó có xác đáng và minh bạch hay không, chứ không thể nói việc đóng thuế vì đã từng nhận “ơn huệ”. Chưa kể, khoản thuế cho mỗi chiếc xe đều là tiền triệu trở lên, sao có thể nói là “mấy đồng” theo kiểu coi tiền như rác của những tay chơi thứ thiệt? Nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp so với thế giới. Mỗi đồng tiền chính đáng đều đẫm mồ hôi, chỉ trừ phi tham nhũng mới có tiền một cách dễ dàng. Chưa kể, để được chạy trên đường, mỗi chiếc ô tô đều đã phải gánh nhiều loại thuế, phí rồi.
Nhớ lại trước đó, khi dư luận phản ứng trước con đường thăng tiến của con cái một số lãnh đạo theo kiểu “chín ép”, cũng chính một lãnh đạo UBND TP.HCM lại cho rằng: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Nhiều người đặt câu hỏi, như vậy con người dân làm lãnh đạo không phải là hạnh phúc của dân tộc hay sao? Và ngay sau đó, một loạt lãnh đạo trẻ có xuất thân con ông cháu cha đã liên tiếp bị cơ quan chức năng bóc trần con đường thăng tiến đi tắt của mình.
Đấy chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều “phát ngôn gây sốc” của cán bộ Nhà nước được đăng tải công khai trên báo chí. Điều này khiến công chúng thấm đẫm băn khoăn: Tại sao đã ngồi ở chức ấy mà các vị có thể nói năng dễ dãi, không đúng bản chất vấn đề, thậm chí là không xứng tầm như thế? Nếu không phải là “lỡ lời” ắt hẳn nó thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc họ không đứng về phía người dân?
Xin nhớ rằng, nghĩa vụ tối thượng của quan chức (dù cấp cao hay cấp thấp) và những vị đại biểu Quốc hội đại diện cho người dân phải là đứng về phía nhân dân để sửa sai, để xây dựng và thực thi chính sách cho đất nước phát triển, công bằng hơn, để từ đó người dân được no ấm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận