Lễ xuất quân của các “chiến sỹ nhí” tại “Học kỳ quân đội” 2018 |
Háo hức làm “chú bộ đội”
Sáng 26/5, gần 100 “chiến sỹ nhí” háo hức, tươi vui chuẩn bị cho khóa huấn luyện 10 ngày của chương trình “Học kỳ quân đội” 2018 do Trung tâm Hỗ Trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội trực thuộc Thành Đoàn Hà Nội tổ chức. Lần đầu tiên được tham gia chương trình này, em Nhật Anh (Mỗ Lao, Hà Đông) hào hứng: “Được gặp, đi cùng nhiều bạn mới, em đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng nhận nhiệm vụ các chú bộ đội giao cho”.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều “chiến sỹ nhí” tham gia “Học kỳ quân đội”. Các em sẽ được tham gia khóa huấn luyện của đơn vị quân đội đã được giảm tải để phù hợp với các “chiến sỹ nhí” như: Kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội và các hoạt động sinh hoạt tập thể, dân vũ, vui chơi: Trống cơm, Ước mơ người chiến sỹ…
Chương trình “Học kỳ quân đội” 2018 của Thành đoàn Hà Nội được tổ chức 5 khoá tại Tam Điệp (Ninh Bình), Sơn Tây (Hà Nội) và Tam Dương (Vĩnh Phúc) từ ngày 26/5 - 4/6 và khoá cuối cùng từ ngày 23/6 - 2/7, chi phí xấp xỉ 6 triệu đồng/em. Ngoài “Học kỳ quân đội” của Thành đoàn Hà Nội, một số đơn vị cũng tổ chức chương trình có mục tiêu, cách thức tương tự, song chi phí khá khác biệt, phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất... Như chương trình “Học kỳ quân đội” của Trung tâm Thanh thiếu niên T.Ư kéo dài 10 ngày, chi phí 4,2 triệu đồng; Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội 7 ngày, chi phí 4,5 triệu đồng; Chương trình “7 ngày trong quân ngũ” của CONEX Việt Nam chi phí 6,5 triệu đồng… |
Đối với các bậc phụ huynh, kỳ vọng lớn nhất trong mỗi khóa “Học kỳ quân đội” là các con có thêm nhiều trải nghiệm thực tế và đặc biệt là rèn luyện tính tự lập trong cuộc sống. Anh Thang Văn Năm (Phương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đăng ký cho con tham gia, để cháu có thể hiểu một phần môi trường quân đội và trưởng thành hơn khi nhìn nhận xã hội”.
Theo anh Lưu Tuấn Nam (trú tại Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), ở thành phố, các con hầu như chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, mải mê với ti vi, máy tính, điện thoại... “Lần đầu tiên phải xa bố mẹ 10 ngày, con cũng có chút buồn, song hào hứng nhiều hơn. Sau đợt này về con tiến bộ, chúng tôi sẵn sàng cho cháu đi lần nữa”, anh Nam nói.
Tại đây, cũng có một số người đăng ký cho con trải nghiệm lần thứ hai, thứ ba, như anh Lương Văn Dũng (Yên Mỹ, Hưng Yên), chị Đỗ Thị Kim Dung (Royal City)... “Cháu đi lần đầu ở Ninh Bình, về thấy cũng cứng cáp ra, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, năm nay cháu lại xin bố mẹ cho đi tiếp. Đứa thứ hai nhà tôi, có lẽ khoảng 1, 2 năm nữa sẽ cho tham gia khóa học này cùng anh nó”, anh Dũng nói.
Tự lập hơn, trưởng thành hơn
Qua tìm hiểu, chương trình “Học kỳ quân đội” được Thành đoàn Hà Nội ủy quyền cho Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội tổ chức trong 7 năm qua (2011-2017).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: “Học kỳ trải nghiệm này sẽ trang bị thêm những kỹ năng, rèn luyện về giờ giấc, sinh hoạt, tác phong, kỷ luật… giúp các em cứng cáp, mạnh mẽ, trưởng thành và có thể chủ động hơn trong cuộc sống. Các em sẽ có điều kiện tự làm những việc khi ở nhà bố mẹ, ông bà thường giúp đỡ mình”.
Cũng theo ông Tiến, đến nay, đã có hơn 4.200 học viên tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Năm nay, dự kiến sẽ có 6 lớp được tổ chức tại Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Là một trong những đơn vị trực tiếp đón nhận các học viên nhí tham gia “Học kỳ quân đội” 2018, Đại tá Lê Đình Hãn, Phó hiệu trưởng trường Quân sự Quân đoàn 1 (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Môi trường trải nghiệm mà chúng tôi mang lại vừa vui vẻ, vừa giúp các cháu rèn luyện kỷ luật, kỷ cương: Sáng 5h báo thức, tối 21h điểm danh. Không hề có chế độ ưu tiên khi ở đây mà các cháu hoàn toàn phải tự lập”.
Theo Đại tá Hãn, tại khóa học đặc biệt này, cán bộ quân đội kết hợp với điều phối viên của trung tâm sẽ hướng dẫn các em tỉ mỉ về mọi mặt. Các “chiến sĩ nhí” sẽ được chia thành các tiểu đội có cả nam, nữ để dễ quản lý, huấn luyện.
“Năm ngoái, có cháu ở nhà chưa biết làm gì cả, thế nhưng sau 10 ngày huấn luyện trong môi trường quân đội, khi trở về được bố mẹ đánh giá rất cao về việc tự giác và tính tự lập”, Đại tá Hãn kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận