Đường bộ

Đường 3.800 tỷ làm sau vướng khu đô thị xây trước, Cần Thơ xử lý thế nào?

30/06/2023, 13:33

Cơ quan chức năng Cần Thơ đang tính phương án xử lý 6ha đất của một khu đô thị nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai phía Tây.

Cân nhắc 2 phương án

Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, do Sở GTVT TP Cần làm chủ đầu tư.

Dự án được phê duyệt vào năm 2019, khởi công vào giữa tháng 11/2022. Thời điểm đó, 30% mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, thời điểm dự án Vành đai phía Tây được phê duyệt thì dự án khu đô thị mới Hồng Phát đã được giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồng Phát triển khai từ trước đó (năm 2018).

Chính vì vậy, có khoảng 6ha đất (chiều dài 1,6km) của khu đô thị Hồng Phát nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai phía Tây. Điều này khiến các đơn vị thi công đường chưa biết sẽ tiếp tục triển khai kiểu gì.

Ở đây có thể hiểu rằng khi phê duyệt dự án Vành đai phía Tây, cơ quan có thẩm quyền của địa phương dường như đã chưa rà soát kỹ, dẫn đến việc phải tìm phương án giải quyết như hiện nay.

img

Hơn 6ha đất của Công ty Hồng Phát nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai phía Tây đang triển khai

Trao đổi với PV, bà Võ Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồng Phát cho biết, phần đất nào ảnh hưởng đến khu đô thị thì khi thi công, chủ đầu tư dự án đường Vành đai phía Tây phải bồi hoàn lại cho công ty.

“Diện tích đất của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dự án này là hơn 6 ha. Đến thời điểm này chúng tôi chỉ nhận thông báo xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, chưa có hướng dẫn nào thêm”, bà Diệp cho hay.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp có thể trả lại đất hoặc Nhà nước sẽ thu hồi diện tích 6ha đất này để không làm gián đoạn dự án làm đường.

“Phần đường này dài hơn 1,6km, do là đất khu đô thị nên chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn. TP đã giao Sở KH&ĐT và đơn vị này cũng đang cân đối nguồn vốn để bổ sung trực tiếp vào dự án. Hoặc sẽ lập một dự án riêng để đảm bảo việc kết nối đoạn tuyến của Vành đai phía Tây khi hình thành", lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ thông tin.

img

Vị trí giao nhau giữa đường Vành đai phía Tây và Nguyễn Văn Cừ trong tương lai

Nhiều gói thầu chưa thể triển khai vì vướng mặt bằng

Đường Vành đai phía Tây có tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 829 tỷ đồng. Trên chiều dài toàn tuyến hơn 19km, hiện đang triển khai 4/7 gói thầu xây lắp.

img

Đường Vành đai phía Tây khi hình thành sẽ kết nối QL91 và QL61C

Về GPMB, đến đầu tháng 6, công tác đo đạc, kiểm đếm nhà, vật kiến trúc đạt 98,3%, đã phê duyệt chi phí bồi thường cho 504 trường hợp, đạt 40% với số tiền 779 tỷ đồng. Địa phương đã chi trả cho 455 trường hợp, đạt tỷ lệ 35,86%.

Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện đã lập hồ sơ đường dây điện trung áp, hạ áp. Các hệ thống cấp thoát nước đã hoàn tất công tác thiết kế, khảo sát lập phương án di dời.

Còn đường dây điện 220kv ở các địa phương hiện chưa có nhà thầu để lập hồ sơ, đang chờ thành phố họp với ngành điện lực để chốt phương án.

Về công tác giải ngân, trong năm 2023, địa phương đã bố trí được 575 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 299 tỷ đồng, đạt 52,11%.

Nhưng hiện tại, nhiều gói thầu của dự án này vẫn chưa được triển khai vì chưa bàn giao được mặt bằng. Hiện chỉ có gói thầu 16 đã đào được khoảng 2,7km khuôn đường, trải vải địa được hơn 3.000m2...

Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17/11/2022, tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, còn lại địa phương cân đối). Thời gian hoàn thành trong năm 2026.

Dự án đi qua 5 quận huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền, khi hoàn thành sẽ kết nối QL91 và QL61C, vận tốc thiết kế từ 50-60 km/giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.