Đường Hồ Chí Minh qua đèo Đá Đẽo (Quảng Bình) |
Có người hỏi tôi vì sao chọn Xuân Sơn (Quảng Bình) làm nơi khởi công đường Hồ Chí Minh, tôi đã trả lời ngắn gọn: “Để phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là nơi rực lửa anh hùng, là tuyến đầu chịu đựng biết bao những gian khổ ác liệt để phục vụ cho tiền tuyến lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Trọng điểm Xuân Sơn thành nơi khởi đầu
Sau khi có quyết định đầu tư đường Hồ Chí Minh, thời điểm đó rất ít người tin rằng, dự án có thể khởi công xây dựng. Vì với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính khoảng hơn 10.000 tỷ đồng thời điểm đó là quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngay sau Tết Canh Thìn, anh Hà Đình Cẩn chỉ đạo chúng tôi khẩn trương triển khai công tác thiết kế kỹ thuật, cùng với đó chúng tôi cũng đề nghị để dự án khởi công sớm. Lúc đó, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn chấp thuận chọn Quảng Bình là địa bàn làm lễ khởi công. Cuối tháng 2, tôi trực tiếp vào Đồng Hới khảo sát và tìm địa điểm tốt nhất đáp ứng cho một “đại lễ” khởi công cấp Nhà nước cho dự án quan trọng quốc gia này.
Chúng tôi bám theo đoàn xe Thủ tướng đến thẳng Xuân Sơn. Với nhiệm vụ đảm bảo an toàn và mọi việc diễn ra trơn tru thuận lợi quanh khu vực khởi công, tôi cùng một số anh em đứng ở ngoài lễ đài gần vị trí động thổ, trong lòng hân hoan một niềm vui khó tả, vừa hạnh phúc vừa hồi hộp, lo âu… Cuối cùng Thủ tướng Phan Văn Khải với chất giọng Nam bộ khỏe khoắn phát lệnh: “Thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ tôi ra lệnh khởi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1”. Tôi nhẹ cả người, cái cảm giác của một người lính vừa hoàn thành một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang. Đời người được chứng kiến sự kiện trọng đại và lịch sử này đã rất quý rồi. Mình lại là người trong cuộc nữa, thật là không gì có thể so sánh được. |
Theo gợi ý của Sở GTVT Quảng Bình, chúng tôi đến bến phà Xuân Sơn bên bờ sông Son, gần ngay động Phong Nha. Trên tuyến đường 15 từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quang (Vĩnh Linh) có 3 bến phà: Xuân Sơn (Bố Trạch), Long Đại (huyện Quảng Ninh) và Thác Cóc (Lệ Thủy). Các bến phà này là trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, trong đó, Xuân Sơn là khu vực bị tập trung đánh phá ác liệt nhất.
Đây là điểm vượt của các tuyến đường thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh: Đường 15, đường 12 và đường 20 Quyết Thắng. Vì vậy, bến phà Xuân Sơn càng bị giặc Mỹ tập trung đánh phá liên tục ngày đêm để ngăn chặn. Chúng thường xuyên cho máy bay oanh tạc dữ dội, thả xuống đây đủ các loại bom phá, bom sát thương, bom từ trường dày đặc cả một khúc sông. Nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, TNXP đã anh dũng chiến đấu, chấp nhận hy sinh đảm bảo cho phà, cho xe an toàn, kịp thời băng đường vượt khẩu chi viện cho tiền tuyến. Chính vì sự tích anh hùng đó mà chúng tôi muốn chọn nơi đây làm địa điểm khởi công cho dự án mang tên Bác trong thời kỳ đổi mới. Tại đây sẽ xây dựng cầu Xuân Sơn vượt sông Son.
Tuy nhiên, mặt bằng ngay bến phà không đủ rộng, nên chúng tôi chọn khuôn viên một trường phổ thông cơ sở gần đó làm lễ đài. Vị trí động thổ được chọn ngay phía ngoài, bên đường, đi bộ khoảng 100m.
Tại cuộc họp chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất hồ hởi khi biết được chọn làm lễ khởi công cho đường Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Tuy nhiên, là tỉnh còn nghèo về cơ sở vật chất, nhất là hệ thống nhà khách, khách sạn còn ít ỏi và thiếu tiện nghi nên cũng rất lo lắng.
Đồng Hới “cháy” chỗ nghỉ
Dự trù số lượng khách mời cho lễ khởi công khoảng 400 người, nhưng thực tế lên đến hơn 1.000 người, nên chúng tôi bị động hoàn toàn. Việc khởi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 là một sự kiện vô cùng đặc biệt, tạo nên hiệu ứng xúc động trong toàn quốc, hào khí của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ào ạt dội về, mọi người tìm cách đổ về Đồng Hới để được chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại này.
Mỗi bộ, ngành Trung ương, mỗi tỉnh chúng tôi chỉ mời lãnh đạo đại diện, nhưng hầu hết đều đi thêm 3-4 người. Thậm chí, có người còn mang cả gia đình đi theo. Nhiều người không có giấy mời nhưng quen biết với người trong Ban QLDA đường HCM cũng đi, nghe tin là đi… Cố gắng xoay xở, cáu gắt lẫn nhau, cuối cùng cũng thu xếp ổn thỏa cho nhân vật chính và một số người đi theo. Đêm đó, Đồng Hới “cháy” chỗ nghỉ, nhiều người ngủ lại trên xe ô tô.
Sáng sớm 5/4/2000, hàng đoàn xe nối đuôi nhau theo sau xe Thủ tướng Phan Văn Khải từ Đồng Hới lên địa điểm khởi công. Chúng tôi đã xuất phát trước đó cả tiếng đồng hồ để lo công tác chuẩn bị tại Nghĩa trang liệt sỹ Thọ Lộc chờ đón Thủ tướng vào dâng hương. Riêng sự việc tại đây cũng ly kỳ như trong thần thoại vậy.
Từ nhiều hôm trước đó, tôi yêu cầu tất cả đồ đạc phục vụ cho khởi công đều phải có dự phòng thêm 1 bộ, duy nhất cái máy phát điện đặt tại Nghĩa trang Thọ Lộc là không có. Nguyên do là anh Võ Minh Hoài, Giám đốc Liên danh XD Giao thông Quảng Bình cam kết: “Máy phát điện là “máy Mỹ xịn”, yên tâm không cần dự phòng”.
Chiều 4/4/2000, chúng tôi cho chạy thử chương trình, hệ thống âm thanh tại đây hoạt động rất tốt, trôi chảy không chê vào đâu được. Nhưng đen đủi thay, đến giờ chạy phát điện, “máy Mỹ xịn” kia… câm như hến!!! Xoay xở đủ kiểu vẫn không nổ máy. Tôi đi quanh chỗ đặt máy thì phát hiện bên cạnh đó là ngôi mộ của liệt sỹ Nguyễn Thị Nhâm, sinh năm 1952, hy sinh năm 1972. Tấm bia dán trên mộ bị nứt, trong khi đó các ngôi mộ khác đều được tu sửa chăm sóc nên không sao.
Tôi chắp tay vái chị 3 vái rồi lẩm nhẩm khấn: “Chị ơi, em xin lỗi chị, anh em sơ suất khi tu sửa nghĩa trang đã bỏ sót quên sửa cho chị. Em sẽ cho sửa lại ngay sau lễ khởi công này, chị làm ơn cho máy nổ giúp em ạ”. Tuy nhiên, máy vẫn lặng thinh. Sau khi Thủ tướng rời đi để đến nơi khởi công thì mới phát hiện ra là cái bugi bị muội đóng nên không phát lửa, lau chùi sạch sẽ rồi lắp vào là nổ giòn ngay. Để an ủi anh Hà Đình Cẩn có người đã nói to: “Các liệt sỹ chỉ muốn nghe nói trực tiếp, không thích nghe qua loa phóng thanh đấy!”.
Như lời hứa, sau đó tôi nhắc anh em CIENCO5 cho thay ngay tấm bia nứt trên mộ chị Nhâm và họ đã thay tấm mới to đẹp nhất nghĩa trang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận