Đường Hồ Chí Minh qua huyện Minh Hóa, Quảng Bình - Ảnh: Tấn Minh |
Nhưng đến nay, ít người biết, để có được con đường hiện đại mang tên Bác, tạo đà phát triển khu vực rộng lớn phía Tây đất nước như ngày hôm nay là cả một quá trình dài nỗ lực của rất nhiều con người, thậm chí, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi...
Kỳ 1: Từ một quyết định lịch sử...
Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vào ngày 11/8/1999. Là người trực tiếp soạn thảo quyết định lịch sử này, tôi không thể nào quên những ngày tháng ấy, nơi khởi nguồn cho công cuộc xây dựng con đường huyền thoại.
Những người khởi đầu
Trước tiên, tôi xin nói ngay, quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ GTVT có “2 số”. Số đầu tiên là Quyết định số 1972/1999, nhưng chính thức là Quyết định số 1999/1999. 1+9+7+2=19 (9 nút) và 1+9+9+9=28 (8 nút). Tại sao lại là 2 số? Tại sao 9 nút và tại sao lại chọn 8 nút?...
Với riêng tôi, ngày 11/8 cũng là ngày có sự trùng hợp ngẫu nhiên, 11/8/1986 và 11/8/1999. Đó là ngày tôi đến nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp Xí nghiệp Lâm Nông Công nghiệp Đắk Glây (1986) và ngày thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (1999). Những con số và những sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ gắn bó với cuộc đời tôi như là những định mệnh.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 18/QĐ-TTg ngày 3/02/2000 phê duyệt đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1. Số quyết định này trùng với ngày kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyết định 18 này là một quyết sách vô cùng kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, khởi đầu cho việc bắt đầu xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. |
Tôi đến nhận công tác tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Công trình Xa lộ Bắc - Nam đặt tại tầng 4 nhà D, 80 Trần Hưng Đạo Hà Nội (Trụ sở Bộ GTVT) vào ngày 24/10/1997. Khi đó, anh Phan Hiền, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum cùng đi với tôi đến để “giao” tôi cho anh Hà Đình Cẩn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) kiêm Chủ nhiệm Văn phòng thường trực (VPTT), vì tôi đang là Phó giám đốc Sở giúp việc cho anh Phan Hiền đến nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực giúp việc cho anh Hà Đình Cẩn. Đó là hai người anh, hai người thủ trưởng trực tiếp mà tôi rất kính trọng.
Ngày 3/11, tức là 10 ngày sau, tôi mới nhận được quyết định do Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký tiếp nhận, điều động và bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm VPTT cùng với Dương Tuấn Minh, một Phó chủ nhiệm từ CIENCO5 ra (sau này là Tổng giám đốc Cửu Long CIP).
VPTT của chúng tôi lúc đó có 7 người là anh Cẩn, anh Minh, tôi, Phạm Mai Hương (sau này là Trưởng phòng Kế hoạch của Ban), Khúc Mạnh Hải (sau này là Trưởng phòng Kế hoạch CIENCO1), Dương Văn Khôi (sau này là Thanh tra viên Thanh tra Chính phủ), Nguyễn Văn Tâm (lái xe) và 3 chuyên gia là kỹ sư cao cấp Đỗ Bắc (người của TEDI), anh Phúc (biệt danh là Phúc Kính) và anh Ca (nguyên chuyên viên của Vụ Kế hoạch - Đầu tư). Đây là những người đầu tiên làm nhiệm vụ chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng công trình Xa lộ Bắc - Nam mà sau này được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh, những công việc bắt đầu từ huyền thoại.
Khó khăn ập đến
Do khó khăn về vốn đầu tư trong cả nước, đầu năm 1998 công trình Xa lộ Bắc - Nam là một trong 8 công trình phải dừng, giãn tiến độ. Dự án đang khẩn trương làm công tác lập dự án đầu tư bỗng dừng lại. Để có kinh phí hoạt động cho VPTT, chúng tôi phải vào gặp anh Lê Long Dình, Tổng giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận ở TP Hồ Chí Minh, rồi vào Đà Nẵng gặp anh Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông 5 để vay tiền.
Trong khoảng thời gian chờ đợi để công trình tái khởi động trở lại, có lần tôi nói với anh Cẩn: “Bây giờ mà có mưa bão làm đứt đường không đi lại được, mọi người mới thấy cần phải đầu tư xây dựng ngay tuyến đường này ấy nhỉ”.
Quả nhiên, đến tháng 8 rồi tháng 9/1998, hai trận “đại hồng thủy” liên tiếp xảy ra ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và của, QL1A nhiều đoạn bị ngập sâu, đèo Hải Vân bị sạt lở đứt đường cả một đoạn dài, giao thông bị ách tắc đình trệ trong một thời gian.
Bộ Chính trị triệu tập họp để nghe báo cáo về công trình Xa lộ Bắc - Nam. Anh Cẩn cùng Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn trực tiếp báo cáo tại cuộc họp. Họp về, anh Cẩn nói lại cho chúng tôi biết chủ trương của Bộ Chính trị là: Đổi tên Công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh và cho triển khai đầu tư xây dựng ngay đoạn từ Hà Tĩnh vào đến Kon Tum. Tất cả chúng tôi đều nhận thức được tầm quan trọng của dự án và tính chất cấp bách của nó để tập trung toàn lực vào việc triển khai thực hiện ngay.
Để tổ chức triển khai thực hiện dự án, cần phải tổ chức lại công việc quản lý điều hành. Chúng tôi đề xuất 3 phương án: Giữ nguyên VPTT Ban chỉ đạo Nhà nước và các Ban QLDA; Giữ nguyên VPTT Ban chỉ đạo Nhà nước và thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh; Thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở chuyển nguyên trạng bộ khung VPTT Ban chỉ đạo sang Ban này.
Sau khi họp với Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đã quyết chọn phương án 3.
Ngày 11/8/1999 Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký Quyết định số 1972, “9 nút”. Tuy nhiên, lúc đó tôi thấy không “cảm tình” với số này vì là “số lùi” nên liền sang phòng làm việc của anh Cẩn đề nghị thay số khác cho “nó tiến”. Vậy là tôi xuống văn thư của Bộ đề nghị cho đổi số Quyết định. Lúc này đang là seri 19… và sẽ là 20… do đó chỉ còn số 1999, “8 nút” phù hợp với mong muốn của chúng tôi. Vậy là Quyết định chính thức có số 1999/1999. Quyết định này đặc biệt ở chỗ có 3 số 1999: Quyết định số 1999/1999 ngày 11/8/1999.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận