Đường sắt

Đường sắt đề nghị cải tạo ga Sài Gòn bằng vốn xã hội hóa

25/02/2018, 16:50

Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo ga Sài Gòn bằng vốn xã hội hóa.

ga-sai-gon-tet-2018.8

Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị được cải tạo tòa nhà ga Sài Gòn hiện đại hơn bằng vốn xã hội hóa - Ảnh: Bên trong tòa nhà ga Sài Gòn ngày cao điểm vận tải tết nguyên đán Mậu Tuất 2018

Tổng công ty Đường sắt VN vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương hợp tác với các nhà đầu tư để cải tạo kết cấu hạ tầng tòa nhà ga Sài Gòn.

Tiêu chí chính để lựa chọn nhà đầu tư là ưu tiên doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia về phục vụ hành khách; cam kết cùng Tổng công ty quản lý, khai thác kinh doanh công trình đầu tư theo đúng mục đích sử dụng, ưu tiên phục vụ khách đi tàu. Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét ủy quyền cho HĐTV Tổng công ty phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng, phương án cải tạo, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt có điều kiện tòa nhà ga Sài Gòn với đối tác được lựa chọn.

Thông tin với PV Báo Giao thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho biết, trước đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã đề nghị cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo toàn bộ mặt bằng tầng 1, tầng 2 ga Sài Gòn cho phù hợp với mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu của khách đi tàu (cửa hàng bán lẻ, cửa hàng café, nhà hàng ăn uống, phòng khách) và tác nghiệp hành khách (bán vé, khu vực đợi tàu). SASCO sẽ trả cho Đường sắt khoản tiền thuê hàng năm để được sử dụng toàn bộ mặt bằng nhà ga trong thời gian 5 năm kể từ khi hoàn tất việc sửa chữa.

Theo ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, đơn vị quản  lý ga Sài Gòn, công trình ga Sài Gòn được sửa chữa lớn năm 2006, có tổng diện tích khoảng 3.000 m2,  gồm 2 tầng. Hiện tòa nhà ga Sài Gòn ngoài công năng phục vụ hành khách như phòng đợi tàu, các khu vực bán vé…, khu làm việc của các bộ phận sản xuất ga Sài Gòn, một số đơn vị đường sắt khác, còn có các khu vực dịch vụ phục vụ hành khách như cửa hàng cà phê, cửa hàng bán lẻ…

“Tuy nhiên, do điều kiện mặt bằng, kiến trúc, các khu vực này chưa được bố trí hợp lý, chưa hiện đại, nhất là kiểu dáng, mặt ngoài nhà ga, chưa xứng tầm là nhà ga xe lửa đầu mối lớn nhất TP. HCM và khu vực phía Nam”, ông Thắng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.