Dù 2014 là năm có nhiều bất lợi cho hàng không thế giới nhưng lượng khách và tổng doanh thu của Vietnam Airlines vẫn cao hơn năm 2013 |
Chuyển biến rõ
2014 được coi là “năm hạn” của hàng không thế giới với rất nhiều sự cố, biến động bất lợi. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh: “Trong khó khăn nhưng Tổng công ty vẫn thực hiện được hơn 118 nghìn chuyến bay an toàn, chất lượng. Tăng 3,8% chuyến bay và 7% số hành khách (đạt hơn 15,75 triệu hành khách) so với năm 2013”.
Năm 2014, dù nhiều thị trường sụt giảm nhưng hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng vẫn đạt xấp xỉ 80%, tăng 0,5% so với năm 2013. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, bằng 102% với năm 2013, lợi nhuận trước thuế khoảng 647 tỷ đồng, tăng 28%.
"Năm 2015, Vietnam Airlines sẽ có những bước chuyển mình quan trọng. Đây là năm đầu tiên hoạt động theo mô hình CTCP và thực hiện những đầu tư mạnh mẽ mang tính đột phá về đội máy bay và chất lượng dịch vụ”. Ông Phạm Viết Thanh Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines |
“Kết quả trên thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều diễn biến bất lợi như: Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan, Ukraine và đặc biệt là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng khách và doanh thu ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý khách hàng”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines tăng trưởng khá cao là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả bước đầu của việc tái cơ cấu. Trên thực tế, đích đến của đợt tái cơ cấu này không gì khác ngoài việc cải thiện kết quả kinh doanh, hướng tới đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ ba trong khu vực, với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế bốn sao.
Tương tự với hàng không, một năm qua ngành Đường sắt cũng quyết liệt thực hiện đổi mới, tái cơ cấu và đã thu được những kết quả khả quan, tạo tiền đề để cổ phần hóa (CPH) một loạt công ty thành viên.
Khó khăn nhất đối với vận tải đường sắt là sự cạnh tranh quyết liệt từ đường bộ và hàng không giá rẻ. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa đưa vào khai thác khiến một lượng lớn hành khách tuyến này chuyển từ tàu hỏa sang đi cao tốc. Tuyến QL1 đang trong giai đoạn nâng cấp mở rộng bốn làn xe thu hút nhiều xe khách chất lượng cao khiến lượng khách đi tàu đường dài sụt giảm.
"Trong tái cơ cấu sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp, vấn đề đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Nếu thu nhập giảm sẽ dễ gây tâm lý dao động. Rất mừng là trong năm 2014, thu nhập của người lao động đã tăng hơn so với 2013. Lượng lao động dôi dư, gián tiếp được cắt giảm”. Ông Mai Thành Phương Chủ tịch Công đoàn VNR |
Thách thức này buộc Tổng công ty Đường sắt (VNR) tìm cách đổi mới, tái cơ cấu toàn diện nhằm thu hút khách hàng, trong đó có việc giảm giá vé nhiều đợt và tăng cường tàu tuyến ngắn. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga, tạo thuận lợi hơn trong mua vé tàu, liên kết với ngân hàng và bưu điện để triển khai hoạt động thu hộ tạo thuận lợi hơn cho hành khách.
Nhờ đó, năm 2014, sản lượng vận tải của VNR vẫn tăng so với 2013. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,7%, doanh thu hàng hóa đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 26%. Năm 2014, doanh thu của toàn Tổng công ty đạt hơn 9.530 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 2013. Lợi nhuận dự kiến đạt 180 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2013.
Ông Phạm Công Trịnh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các chính sách giảm giá vé hành khách, giá cước vận tải hàng linh hoạt để thích ứng với tình hình mới, có biến động về luồng khách và giá cả nhiên liệu. Đồng thời chúng tôi nắm bắt lấy cơ hội từ việc kiểm soát tải trọng trên đường bộ khiến lượng hàng một số tuyến tăng trưởng đột biến, chẳng hạn như Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai để khai thác triệt để”.
Thực hiện triệt để tái cơ cấu nên thu nhập bình quân của người lao động thuộc VNR trong năm qua đã tăng hơn 7,4%, ở mức bình quân khoảng 6,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, lao động khối vận tải đạt hơn 7,3 triệu đồng. Thu nhập cao nhất thuộc về khối các Ban QLDA khoảng 9,3 triệu đồng/tháng. Thấp nhất là lao động khối công nghiệp đường sắt đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, trọng tâm là cổ phần hóa
Một điểm chung của hai doanh nghiệp lớn trong ngành GTVT trong năm 2015 là đẩy mạnh và hoàn thành công tác CPH. Theo ông Phạm Ngọc Minh, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ hoàn tất vào ngày 23/3/2015. Nếu không có gì thay đổi, đến 31/3/2015, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và ra mắt công ty cổ phần vào cuối tháng 5/2015. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại 5 doanh nghiệp ngoài ngành.
Đẩy mạnh CPH cũng là mục tiêu đặt ra trong năm 2015 của VNR. Đến nay, mới chỉ có hai công ty vừa được CPH là Công ty in Đường sắt và Công ty in Sài Gòn.Tuy nhiên, theo ông Phạm Công Trịnh, hai công ty vận tải quan trọng là Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã chuyển đổi sang mô hình hoạt động công ty TNHH MTV từ đầu năm 2015. Dự kiến, theo kế hoạch sẽ được CPH và hoạt động theo mô hình mới từ đầu năm 2016. Bên cạnh đó, một loạt các đơn vị đầu máy, toa xe cũng sẽ được CPH vào năm tới.
Đến nay, đối với Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An, VNR đã phê duyệt dự toán chi phí CPH và lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm toán báo cáo tài chính. Về thoái vốn, đến nay mới thoái vốn được 5/13 công ty theo đúng lộ trình, còn lại 8 công ty khác đang điều chỉnh phương án thoái vốn.
Thanh Bình - Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận