Đường sắt

Đường sắt oằn mình gánh lỗ tàu địa phương

10/05/2016, 16:05

Nhiều tuyến tàu khách địa phương đang phải chịu lỗ thê thảm hàng chục triệu đồng/ngày.

1

Chưa đến chục hành khách lên tàu Đồng Đăng - Hà Nội (ĐĐ6) tại ga Lạng Sơn - Ảnh: Thanh Thúy

 Tàu rỗng, lỗ hơn 60 triệu đồng/ngày

Có mặt trên đoàn tàu khách tuyến Đồng Đăng - Hà Nội (ĐĐ6) đầu tháng 5, PV Báo Giao thông chứng kiến, gần như cả đoàn tàu chạy rỗng, mỗi toa tàu chỉ lèo tèo vài hành khách. Toa nào nhiều lắm, khách cũng chỉ ngồi kín khoảng ba hàng ghế.

Trưởng tàu ĐĐ6 Dương Doãn Thái cho biết, trung bình ngày thường chỉ có 50 hành khách/chuyến, vào thứ bảy, chủ nhật có thể lên đến 200 hành khách/chuyến nhưng vẫn không kín chỗ. “Chuyến tàu nào đông khách lắm doanh thu cũng chỉ được khoảng 1/3 chi phí cố định là cùng”, Trưởng tàu Thái nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
Hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và bảo đảm an sinh, xã hội

Trong quá trình sửa Luật, Bộ GTVT đang đưa vào Luật quy định đối với những tuyến có tính chất an sinh, xã hội và công ích để có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải hành khách. Vấn đề này cần có cơ chế, nghiên cứu và tham khảo cụ thể ý kiến các đơn vị liên quan.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ yêu cầu Vụ Vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam rà soát lại việc giảm một số tuyến tàu như vậy đã hợp lý và đúng trình tự chưa. Vấn đề là làm sao hài hòa cả về lợi ích vận tải của doanh nghiệp và phải bảo đảm an sinh, xã hội, bởi đây là những tuyến tàu dân sinh, nhưng cũng phải làm sao để bù lỗ ít nhất.

T.A - T.T

Theo số liệu của Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Đồng Đăng, trong quý I/2016, tình hình kinh doanh thua lỗ thê thảm. Tính ra trong cả quý chỉ bán được hơn 640 vé tàu, doanh thu đạt gần 47 triệu đồng. Tháng 2 bán được nhiều nhất với 254 vé. Trong khi đó để vận hành được một chuyến tàu quay vòng trong ngày phải mất chi phí gần 70 triệu đồng.

Tương tự tàu ĐĐ6 là tàu VĐ 31/32 tuyến Vinh - Đồng Hới và tàu ĐH 41/42 tuyến Đồng Hới - Huế. Thống kê của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, tàu VĐ 31/32 chỉ đạt hơn 36% hệ số sử dụng chỗ (tương đương 141 hành khách/ngày), doanh thu chỉ hơn 4 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, chi phí để vận hành đoàn tàu trong một ngày mất khoảng hơn 71 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày đoàn tàu này lỗ hơn 67 triệu đồng.

Tàu ĐH 41/42 có hệ số sử dụng ghế chỉ đạt 29% (tương đương 164 hành khách). Doanh thu bình quân một ngày đạt hơn 5,3 triệu đồng. Trong khi đó để vận hành đoàn tàu này trong một ngày phải mất hơn 68 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày đoàn tàu này lỗ gần 63 triệu đồng.

Nhiều các đoàn tàu khách địa phương khác cũng trong cảnh tương tự như tàu YB, tàu QT... khi con số lỗ mỗi ngày lên tới vài chục triệu đồng.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, do cạnh tranh gay gắt từ đường bộ nên lượng khách sụt giảm nghiêm trọng trên các tuyến đường sắt. Hơn nữa, hiện chi phí đầu vào quá nhiều (Phí nhiên liệu, thuê hạ tầng, phí điều hành vận tải...) làm tăng chi phí vận hành lên nhiều.

“Chúng tôi cố gắng áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá, tổ chức xe buýt đưa đón hành khách ra ga tàu, bố trí khăn lạnh và nước uống cho hành khách, điều chỉnh giờ tàu phù hợp... nhưng lượng khách tăng không nhiều. Giá vé rẻ quá nên thu không đủ bù chi”, bà Hà nói.

2
Dù đã qua nhiều ga nhưng tàu Đồng Đăng - Hà Nội (ĐĐ6) vẫn chỉ lác đác vài khách mỗi toa - Ảnh: Thanh Thúy

Có được phép trợ giá?

Thực tế không phải đến bây giờ vấn đề thua lỗ của tàu khách địa phương mới được mổ xẻ. Cách đây khoảng ba năm, ngành Đường sắt đã từng kiến nghị bãi bỏ 5 đôi tàu khách địa phương do thua lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đây đều là những đoàn tàu mang tính chất an sinh xã hội là chính nên các địa phương và cả người dân đều đồng loạt kiến nghị giữ tàu.

Đến nay, khi các công ty vận tải đường sắt đã xong cổ phần hóa, việc lỗ lãi đương nhiên phải được tính đến hàng đầu theo đúng tính chất của doanh nghiệp. Trước đây, khi còn là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Đường sắt VN, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vẫn quản lý các đôi tàu này nhưng được công ty mẹ bù đắp, cân đối. Tuy nhiên, khi là doanh nghiệp cổ phần, gánh nặng đặt lên Ban điều hành. Nếu hai năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì thế, họ buộc phải cắt giảm những mác tàu không hiệu quả, thua lỗ, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận chung.

Để giảm lỗ, mới đây Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã quyết định điều chỉnh giảm tần suất hoạt động của các đoàn tàu khách địa phương. Tàu VĐ 31/32, ĐH 41/42 giảm từ 7 đôi xuống còn 4 đôi/tuần. Tàu YB 2/1 thay vì chạy tất cả các ngày trong tuần như trước, nay chỉ chạy các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và thứ hai hàng tuần. Riêng chuyến tàu nhanh Hà Nội - Lạng Sơn khổ 1.435mm mới khai trương chưa được một năm cũng đã phải dừng hoạt động do thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài cần có một giải pháp tổng thể để giảm lỗ. Theo ông Phạm Công Trịnh, Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt VN, là một doanh nghiệp cổ phần nhưng lại phải chạy những đôi tàu khách dân sinh, doanh thu kém, thua lỗ. Vì vậy, đường sắt Hà Nội hoàn toàn có thể kiến nghị xin trợ giá đối với những mác tàu này. Tuy nhiên, việc có trợ giá hay không, hoặc bù đắp theo hình thức nào phụ thuộc vào các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính.

Theo một chuyên gia vận tải đường sắt, thông lệ trên thế giới vận tải hành khách bằng đường sắt không đơn thuần là kinh doanh vận tải mà còn là một dịch vụ công.Vì vậy, đối với những mác tàu, tuyến đường cần sự trợ giá, Nhà nước có thể vào cuộc. Không như xe buýt nội đô có thể hưởng trợ giá từ ngân sách địa phương, tàu khách địa phương (tàu khu đoạn) chạy qua địa bàn nhiều tỉnh nên khó có thể xin trợ giá từ nguồn này.

“Trong trường hợp việc chạy các mác tàu là cần thiết để phục vụ dân sinh và cũng là theo đề nghị của địa phương, cần giải quyết bài toán bù đắp chi phí, bù lỗ cho doanh nghiệp. Nếu không thể trợ giá từ nguồn ngân sách, có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng các cách khác như miễn thuế, miễn phí thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, miễn hoặc giảm chi phí điều hành vận tải, phí thuê sức kéo (đầu máy)”, chuyên gia này nhận định.

Trong khi chờ các quyết định từ cơ quan chức năng, những chuyến tàu khách địa phương vẫn ngày ngày kĩu kịt trên đường để phục vụ dân nghèo, mang theo cả một khoản nợ khổng lồ, bởi lỗ chồng lỗ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.