Đường thủy cần giải quyết được vấn đề kết nối tốt với các phương thức vận tải khác |
Chiến lược phát triển GTVT thủy đặt mục tiêu đến năm 2020 đường thủy nội địa đạt 334,2 triệu - 392,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chiếm 18,6 - 21,5% tổng thị phần vận tải hàng hóa toàn ngành GTVT. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia vận tải, không dễ để đạt được mục tiêu trên, bởi số liệu thống kê trong vài năm gần đây cho thấy biểu đồ “đi xuống” so với tăng trưởng chung của toàn ngành GTVT.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2016, hàng hóa được vận tải bằng đường thủy chưa đạt được ngưỡng 18% tổng thị phần, thậm chí liên tục giảm. Năm 2016, dù đường thủy vận chuyển hơn 212,5 triệu tấn, tăng về khối lượng với các năm trước, nhưng cũng chưa bằng 1/4 vận tải đường bộ và chỉ chiếm 17,13% tổng thị phần. Đây cũng là con số thấp nhất trong 7 năm gần đây.
Ông Vũ Mạnh Hùng, phụ trách Phòng Kế hoạch - Đầu tư của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy mỗi năm đều tăng hơn 6%, nhưng thấp so với tốc độ chung của toàn ngành (khoảng 17,9%). Cần nói thêm, kết quả trên có sự đóng góp của tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang được mở từ năm 2014 và đã tạo sự thay đổi đáng kể cho vận tải thủy.
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang rà soát tình hình triển khai thực hiện các chiến lược, đề án, quy hoạch phát triển GTVT đường thủy giai đoạn 2016- 2020, để có các giải pháp tập trung thúc đẩy vận tải thủy, phát triển đường thủy theo các mục tiêu đã được đề ra. |
“Lượng hàng hóa vận tải bằng container trên đường thủy nội địa ở khu vực đồng bằng sông Hồng chưa nhiều, chưa đúng tiềm năng. Vận tải container bằng đường thủy ở phía Nam cũng mới chiếm khoảng 30% tổng số container”, ông Hùng nói và cho rằng, đường thủy vẫn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu, những tập đoàn mạnh, có tiềm lực trong việc đổi mới phương tiện, công nghệ để nâng chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Viện phó Viện Chiến lược và phát triển GTVT, các quy hoạch, chiến lược đã xác định các mục tiêu phát triển của GTVT thủy đến năm 2020. Vì vậy, trong 3 năm tới ngành đường thủy cần tập trung để tạo đột phá một số nhiệm vụ trọng điểm. Đó là nâng chất lượng vận tải container bằng đường thủy, trong đó có thể chọn 3 tuyến trọng điểm để đề xuất các cơ chế khuyến khích, cần thiết. Bên cạnh đó, đường thủy cần chọn một số cảng để ưu tiên hiện đại hóa, tạo kết nối giữa cảng thủy và cảng cạn ICD, cải thiện khả năng tiếp nhận hàng hóa từ phương tiện thủy tại các cảng biển.
“Đường thủy cần giải quyết được vấn đề kết nối tốt với các phương thức vận tải khác. Và điểm yếu hiện nay là sự kết nối của phương thức vận tải thủy với cảng biển. Nên lựa chọn 5-10 cảng để tập trung thúc đẩy kết nối, tìm giải pháp nguồn lực đầu tư”, bà Hiền đề xuất.
Ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy VN cho rằng, để phát triển vận tải thủy phải tạo được sự kết nối với các phương thức vận tải khác. Để kết nối phải sớm tạo được các cảng thủy đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa. Ông Nghĩa cũng đề xuất, ở phía Bắc đã quy hoạch cảng thủy Phù Đổng, Khuyến Lương nhưng chậm được triển khai. Trong đó, cảng Phù Đổng nằm ở vị trí đầu mối kết nối với các tuyến quốc lộ 1, 5, 18 và nếu nối thêm vài kilomet đường sắt từ ga Yên Viên vào cảng là tạo được sự liên thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận