EU căng thẳng vì giới hạn khí thải đối với xe tải |
Cắt giảm lượng khí thải để hạn chế tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn luôn được các quốc gia trên thế giới đề cao. Tuy nhiên, giải quyết hài hòa giữa giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường và duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất ô tô vốn không phải là điều dễ dàng…
Căng thẳng vì tiêu chuẩn khí thải chung
Trong tháng 11 vừa qua, các nhà lập pháp EU đã bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm 20% khí thải CO2 từ các loại xe tải vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Đây là một trong những động thái thể hiện quyết tâm của khối thịnh vượng nhất hành tinh trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sự nóng lên của toàn cầu.
Thỏa thuận trên cũng bao gồm điều khoản phụ cho phép liên minh này tiến hành điều chỉnh lại mục tiêu cắt giảm khí thải trong trường hợp mức cắt giảm đã đưa ra được chứng minh là quá tham vọng.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, giới hạn này vẫn gây ra tranh cãi giữa các nước, nhất là đối với Đức, quốc gia có ngành công nghiệp ô tô luôn là động lực chính cho phát triển kinh tế.
Theo đó, chính quyền Berlin mong muốn tiêu chuẩn khí thải cho xe tải sẽ không vượt quá mục tiêu 15% vào năm 2025 và 30% cho năm 2030, như trong thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Môi trường EU đưa ra cách đây không lâu tại Luxembourg, Bỉ.
Trong khi đó, nhiều nước khác, tiêu biểu là Hà Lan và Pháp lại kêu gọi đưa ra giới hạn cao hơn mong muốn của Đức.
Dù là quốc gia sản xuất nhiều xe tải hạng nặng lớn thứ 2 trong khối EU, nhưng chính quyền Amsterdam vẫn muốn giảm lượng khí thải nhiều hơn nữa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Theo đó, Hà Lan kêu gọi giảm 20% lượng khí thải CO2 từ xe tải vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Còn Paris cũng đang thúc đẩy mục tiêu tham vọng, đó là tăng giới hạn tiêu chuẩn khí thải cao hơn mức 30% mà Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hồi tháng 5.
Trước đó, EC cũng đã thông qua việc đề xuất các nhà sản xuất tăng cường bán các phương tiện không phát thải và phát thải thấp. Biện pháp này sẽ hướng các hãng xe chú tâm đến việc nghiên cứu - sản xuất các loại xe thân thiện với môi trường, giúp thực hiện mục tiêu của EU trong việc cắt giảm ít nhất 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990.
Mục tiêu khó nhưng cần thiết
Nhiệt độ tại Bắc bán cầu tăng cao trong mùa hè năm 2018 cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đã khiến các quốc gia càng thêm lo ngại về vấn nạn biến đổi khí hậu.
Nhiều nước hiện đang kêu gọi cần phải giảm phát thải với tốc độ nhanh hơn so các kế hoạch đã đề ra từ trước. Từ đầu tháng 10, các chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách mỗi nước cần khẩn trương thông qua những cải cách về giải pháp môi trường nếu muốn hạn chế sự nóng lên của Trái Đất.
Ngày 2/12, Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) đã chính thức khai mạc tại TP Katowice (Ba Lan) đặt ra yêu cầu phải hành động gấp để cắt giảm khí phát thải nhà kính, thực thi Thỏa thuận Paris ký năm 2015.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi đại diện đến từ 200 quốc gia phải có một quyết tâm mạnh mẽ, nhằm ứng phó với những mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
EU hiện không có giới hạn khí thải đối với các xe tải, loại xe chiếm gần 1/4 lượng phát thải CO2 liên quan đến tất cả các hoạt động GTVT của khối.
Sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua, 28 quốc gia thành viên sẽ bắt đầu họp bàn về thỏa thuận cuối cùng vào ngày 20/12. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán này được dự báo là sẽ khó khăn hơn, bởi các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lo ngại rằng, các tiêu chuẩn khí thải có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng cũng như liên quan mật thiết đến vấn đề việc làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận