EU-Mỹ mâu thuẫn lợi ích khi muốn trừng phạt Nga

24/07/2017, 08:30

Ngày 25/7, theo giờ Washington, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật tăng cường trừng phạt chống Nga, Iran, Triều Tiên...

32

Khi đi vào hoạt động, đường ống dẫn khí mới Nord Stream 2 từ Nga tới Đức có công suất 55 tỷ m3/năm

Ngày 25/7, theo giờ Washington, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật tăng cường trừng phạt chống Nga, Iran, Triều Tiên, đồng thời hạn chế khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, động thái từ Mỹ đã vấp phải chỉ trích từ châu Âu.

Mỹ đặt lợi ích kinh tế của mình lên trên EU? 

Khả năng cao dự luật trừng phạt 3 nước: Nga, Iran, Triều Tiên được thông qua vì trước đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hoà Mỹ đạt được thoả thuận thống nhất. Theo lãnh đạo đa số tại Hạ viện, ông Kevin McCarthy, dự luật buộc các nước: Iran, Nga, Triều Tiên phải chịu trách nhiệm vì những gì mà họ cáo buộc là “hành vi nguy hiểm”.

Riêng với Nga, dự luật bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm tới dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 tới châu Âu (EU) do Tập đoàn Dầu khí Liên bang Nga Gazprom thực hiện với sự tham gia đầu tư của các công ty Đức, Áo. Không chỉ trừng phạt các công ty Nga, Mỹ còn trừng phạt các tổ chức nước ngoài hỗ trợ đường ống xuất khẩu khí đốt này. Đồng nghĩa, các công ty của Đức và Áo cũng nằm trong lệnh trừng phạt. 

Điều này khiến các nước châu Âu, đặc biệt là Đức tức giận. Ngay sau khi nghị sĩ hai đảng của Mỹ đạt thoả thuận, tờ Bild am Sonntag dẫn lời người phát ngôn Ủy ban châu Âu cảnh báo, “các biện pháp chống Nga/Iran có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ với khối đoàn kết các nước G7 mà còn với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế Liên minh châu Âu. Ảnh hưởng của biện pháp trừng phạt có thể rất rộng, bao gồm cả nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của EU”.

Giới ngoại giao châu Âu lo ngại, bất đồng giữa Mỹ - Đức về đường ống Nord Stream 2 có thể làm phức tạp hóa những nỗ lực của Brussels để đồng thuận ý kiến của các nước trong khối khi đàm phán với Nga về dự án này. Riêng Đức, trước hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Berlin đã cảnh báo trả đũa nếu Mỹ trừng phạt các công ty Đức đang tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Baltic với Nga. 

Phía châu Âu cho rằng, việc mở rộng lệnh trừng phạt lần này của Mỹ liên quan tới các vấn đề của riêng Washington (về cáo buộc Nga gây nhiễu loạn bầu cử Mỹ), chứ không phải vấn đề quốc tế như lệnh trừng phạt trước đó Mỹ và các nước EU phối hợp với nhau để gây sức ép với Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp, gây khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Thậm chí, theo tờ Financial Times, giới chức Đức tức giận nói rằng, dự luật rõ ràng đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải “ưu tiên” xuất khẩu năng lượng Mỹ, “tạo việc làm cho Mỹ”, “tăng cường chính sách ngoại giao”, như vậy, đã đặt lợi ích kinh tế của Mỹ lên trên lợi ích kinh tế của các nước đồng minh trong EU, nhất là các nguồn năng lượng phục vụ lục địa già.

Trục trặc quan hệ Mỹ - Đức

Sự phản đối kịch liệt từ phía Đức nói riêng, ở nhiều cấp bậc, kể cả Thủ tướng Angela Merkel, phần nào cho thấy sự trục trặc trong quan hệ Đức - Mỹ vốn hình thành kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức. Bà Merkel thể hiện rõ thái độ không ngại ngần công khai chỉ trích Mỹ sau khi Tổng thống Trump từng thẳng thừng “tấn công” Đức về chính sách quốc phòng, thương mại và hợp tác quốc tế.

Không chỉ vậy, Đức là nước rất ủng hộ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 xuyên biển Baltic đưa khí đốt Nga tới nước này. Đường ống này có hiệu suất gấp đôi đường ống Nord Stream, khoảng 55 tỷ m3/năm, với đường đi bỏ qua Ukraine, giúp ổn định nguồn cung khí đốt cho châu Âu. 

Song, tạp chí Forbes (Mỹ) cho rằng, khi đi vào hoạt động từ năm 2019, Nord Stream 2 sẽ đáp ứng nhu cầu cao tại châu Âu nhưng “phủ bóng” lên các thị trường khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) mới nổi. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu chung của EU là muốn đa dạng hoá, tránh phụ thuộc nguồn cung từ Nga. Hiện nay, EU đang phụ thuộc gần 30% nhu cầu khí đốt vào Nga.

Không chỉ vậy, tạp chí Forbes của Mỹ nghi ngờ, Chính phủ Đức có liên kết chặt chẽ với Nga và lan toả sang chính trị. Theo tạp chí này, mặc dù truyền thông Berlin luôn đưa tin nghi vấn Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga nhưng lại bỏ quên những mối liên kết của Đức với Nga. Chẳng hạn, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder từng nhận chức Chủ tịch trong hội đồng giám sát hệ thống đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức của Gazprom nhưng sau đó đã rút vì bị chỉ trích gay gắt. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.