Gà Trung Quốc nhập lậu qua đường tiểu ngạch |
Thời gian gần đây, trên cung đường QL1 từ Lạng Sơn đi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… thường xuyên xuất hiện một số xe tải nhỏ phóng nhanh, vượt ẩu và lái xe liên tục đổi biển kiểm soát khi qua các trạm chốt tuần tra của lực lượng chức năng. Lần theo dấu vết những chiếc xe này, PV Báo Giao thông phát hiện một đường dây gia cầm, trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Thay biển số trong vòng 10 giây…
1h sáng, từ trung tâm TP Lạng Sơn, PV Báo Giao thông di chuyển dọc tuyến QL1 về hướng Bắc Giang, Bắc Ninh để bám theo hai xe tải BKS 89C-144.34 và 12C-078.39. Đường mù đặc sương với những khúc cua nguy hiểm, nhưng hai chiếc xe này vẫn lao vun vút với tốc độ khoảng 100km/h.
Đến khu vực cách Trạm CSGT Tùng Diễn (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) chừng 2km, hai chiếc xe chạy chậm lại, tấp vào quán nước ven đường. Anh V.T.D., một lái xe chuyên chạy tuyến này cho biết: Các lái xe vào quán nước để chờ “chim lợn” (người theo dõi lực lượng chức năng) báo “thông chốt” hay phải điều khiển xe chạy “cảm tử” qua trạm hoặc phải chuyển hướng đi đường tránh.
"Kinh phí phòng chống dịch đều đã được phân bổ, vấn đề là địa phương sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không? Nhiều khi có nơi còn bỏ ngỏ các phương án quản lý, tạo kẽ hở cho đối tượng vận chuyển sẵn sàng thực hiện, miễn là có lợi nhuận. Đây là vấn đề cần có sự vào cuộc từ công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thú y... và đặc biệt chính quyền địa phương. Rất tiếc trong những đợt kiểm tra, địa phương báo cáo công tác phòng chống buôn lậu tốt tuy nhiên sau đó lại thấy hàng vẫn được tuồn về”. Ông Nguyễn Văn Trọng |
Sau một hồi chờ đợi, 2 xe tải tiếp tục hành trình và vượt qua Trạm CSGT Tùng Diễn một cách dễ dàng. Lúc này, PV thấy cách Trạm CSGT Tùng Diễn không xa xuất hiện xe ôtô con hiệu Kia màu trắng liên tục phát tín hiệu đèn dường như để ra hiệu “thông chốt” cho các lái xe tải.
Bám theo 2 xe tải đến cây xăng khu vực cầu Lường (tỉnh Bắc Giang) PV ghi nhận, chỉ trong vòng 10 giây, các tài xế đã gắn BKS mới cho hai chiếc xe tải. Xe BKS 89C-144.34 được “kẹp” thêm BKS 98H-3947, chiếc xe còn lại cũng gắn một BKS mới. Lái xe chỉ đổi BKS mới ở đầu và cuối xe, còn BKS được dán bằng decal ở hai bên thành xe (được cho là BKS thật) vẫn còn nguyên trạng.
Theo thông tin từ các lái xe chuyên chạy tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, trạm xăng gần cầu Lường là địa chỉ quen thuộc của cánh xe tải này. Xe đến đây không chỉ đổi biển số mới mà còn để “báo luật” với người đứng ra “bảo kê” cho xe chạy trên tuyến. Mỗi xe tải như thế này thường sẽ phải nộp cho “bảo kê” từ 500- 600 nghìn đồng/chuyến.
Đến địa phận giáp ranh giữa Bắc Giang và Bắc Ninh, các tài xế tiếp tục xuống xe và trong 10 giây đã hoàn tất công đoạn rút biển số kẹp từ trạm xăng gần cầu Lường và trả lại biển kiểm soát ban đầu khi xuất phát từ Lạng Sơn.
PV tiếp tục bám theo chiếc xe tải BKS 89C-144.34 đến thôn Thụy Mão, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, chiếc xe dừng lại ở một cơ sở của một người tên Mạnh chuyên cung cấp gia cầm giống. Lúc này, thùng xe BKS 89C-144.34 mở ra, bên trong chất đầy gà giống được nhanh chóng giao nhận trong khoảng 30 phút. Cánh lái xe cho biết, các xe thay đổi BKS chạy từ Lạng Sơn tỏa về các tỉnh Bắc Bộ chủ yếu chở gà, vịt giống và trứng gia cầm từ khu vực Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về.
Xe BKS 89C-144.34 được “kẹp” thêm BKS 98H-3947 để qua mặt lực lượng chức năng trên hành trình từ Lạng Sơn về Bắc Giang, Bắc Ninh trên QL1 |
Xâm nhập thiên đường gia cầm nhập lậu
PV Báo Giao thông đã bám trụ ở Chi Ma - Lạng Sơn gần 2 tuần để “mục sở thị” tình trạng buôn lậu gia cầm qua biên giới. Các khu vực xung quanh mốc 1228, 1229… thuộc địa phận Nà Phát, Nà Quân, xã Yên Khoái cứ bắt đầu vào nửa đêm là có hàng trăm xe máy với cả trăm người tấp nập ra vào các bãi tập kết gia cầm lậu. Hàng chục người gồng gánh các bu, sọt gia cầm giống, trứng gia cầm nườm nượp băng qua nhiều đường mòn tiến về khu vực tập kết. Hàng dài xe máy chờ sẵn “ăn hàng” chuyển tới các điểm đóng hàng lên xe tải. Những vạt rừng ở Chi Ma dù đã nửa đêm nhưng luôn sáng ánh đèn pin và huyên náo.
Một người phụ nữ thường xuyên gánh gia cầm lậu qua biên giới cho biết: Tiền công cho mỗi chuyến gánh hàng qua biên giới thường là 70 nghìn đồng. Còn những “cửu gà” vận chuyển bằng xe máy ra điểm trung chuyển sẽ nhận 300 nghìn đồng/chuyến. Gia cầm giống được đóng lên xe ô tô tại các điểm như: Bản Dĩ, Pò Qua, Long Đầu, ngã ba Mẫu Sơn rồi tỏa đi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… Một chiếc xe máy có thể chở được từ 1.700 - 1.800 con gia cầm. Để đầy một chiếc xe tải 750kg với khoảng 3 vạn con gia cầm giống, cần tới 13 - 14 chiếc xe máy chở “hàng”.
Gia cầm giống được chuyển đến Pò Qua (Chi Ma) để chuẩn bị đưa lên ô tô chuyển về xuôi |
Bám thủ phủ gia cầm nhập lậu Chi Ma - Lạng Sơn nhiều đêm, PV ngạc nhiên trước sự nhộn nhịp của các chợ gia cầm lậu, hoạt động ầm ầm của các đoàn xe máy chở hàng gia cầm lậu diễn ra không xa các trạm, chốt tuần tra của lực lượng chức năng. Thậm chí, các “cửu gà” còn vận chuyển gia cầm lậu ngay trước lán kiểm soát biên phòng mà không gặp bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào (?!)
Qua tìm hiểu, gà giống được nhập lậu tại Chi Ma - Lạng Sơn tại đây có giá từ 3-5 nghìn đồng/con, khi mang về dưới xuôi được bán dao động từ 10 - 17 nghìn đồng/con.
Trao đổi với PV Báo Giao thông trưa 9/12, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: Trong nước cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu giống chăn nuôi gia cầm; giá gà giống trong nước cũng không chênh lệch nhiều so với hàng nhập khẩu. “Nhu cầu gà giống trong nước hiện không lớn do chỉ khoảng 2 tháng nữa là Tết, giá trung bình chỉ từ 5-6 nghìn đồng/con. Tình trạng nhập khẩu gà giống từ Trung Quốc gia tăng thời điểm này có thể do nước bạn đang bị dư thừa. Hoạt động vận chuyển này không chỉ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh không kiểm soát được mà còn ảnh hưởng tới sản xuất chăn nuôi trong nước”, ông Trọng phân tích.
Theo vị Phó cục trưởng, thời điểm sát Tết, trời lạnh cũng là lúc dịch cúm gia cầm dễ bùng phát nhất. Hơn nữa dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc cũng đang tiến sát các tỉnh biên giới Việt Nam. Nếu không kiểm soát chặt, ngăn chặn phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm lậu từ biên giới, rất có thể đây là nguồn đem dịch bệnh nguy hiểm vào nội địa. “Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, Trung Quốc đang cho kiểm soát rất chặt, xây hệ thống hàng rào kiên cố, lắp camera theo dõi. Trong khi đó, tại Việt Nam, dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT vẫn thường xuyên có văn bản chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường phòng chống dịch, nhất là vào dịp cuối năm, song thực tế khâu kiểm soát vẫn còn hạn chế, giao dịch chủ yếu qua tiểu ngạch thông qua đường mòn lối mở”, ông Trọng nhận định và nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận