Bãi trông giữ xe trái phép của HTX Thành Công “vượt luật” bằng hàng rào sắt dài gần 200 m dưới gầm cầu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) |
Gầm cầu vượt thành “điểm nóng”
Ngay sau khi cắt băng thông xe cầu vượt Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (năm 2011), hợp tác xã (HTX) Thành Công đã “tranh thủ” xin giấy phép được sử dụng gầm cầu vượt làm điểm tập kết các xe chuyên dụng, xe chở rác để tránh gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Vì vậy, ngày 23/7/2013, Sở GTVT Hà Nội có Công văn số 1717/SGTVT-GTVT quyết định cấp giấy phép cho HTX Thành Công sử dụng hai khu vực gầm cầu vượt Láng - Hòa Lạc đi Khu đô thị Trung Văn (cầu Mễ Trì) và cầu vượt nút giao thông Phú Đô làm nơi tập kết xe chuyên dụng, gom chở rác.
Tuy nhiên, HTX Thành Công đã ngang nhiên “vượt luật” khi tự ý xây dựng bãi trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm bằng hàng rào sắt chạy dài hàng trăm mét bao phủ hết nửa chân cầu vượt Mễ Trì. Ngoài ra, đơn vị này còn cố tình làm thay đổi hiện trạng của gầm cầu bằng việc đục khoét chân cầu, tự rạch rãnh đường và láng bê tông trên diện tích lớn.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bãi trông giữ xe tự phát này đã tồn tại và hoạt động được hơn hai năm. Bao xung quanh bãi là hàng rào sắt dài 200 m, cao 2 m cuộn kín. Nhân viên nhận trông giữ phương tiện 24/24h với giá vé gửi “cắt cổ” từ 30 - 50 nghìn đồng/ô tô và 5 - 10 nghìn đồng/xe máy/đêm. Đặc biệt, phần lớn xe chở rác không được tập kết tại gầm cầu vượt Mễ Trì mà lại kéo tập trung về phía đường Đỗ Đức Dục (gần khách sạn Marriott) để nhường diện tích cho bãi gửi xe, khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư.
Theo phản ánh của nhiều người dân, từ ngày gầm cầu vượt này giao cho HTX Thành Công quản lý, lập bãi trông giữ xe dưới gầm cầu và dựng hàng rào dài che chắn đã làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông từ đoạn đường Đỗ Đức Dục qua Đại lộ Thăng Long, đó là lý do nhiều vụ TNGT thường xuyên xảy ra ở góc cua gấp này.
Từ khi có bãi trông giữ xe của HTX Thành Công, nhiều quán nước cũng đua nhau vây quanh bãi để “xẻo thịt” ăn theo khiến giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều gầm cầu ngang nhiên bị biến thành điểm kinh doanh trông giữ xe. Đó là các cầu Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Mai Dịch (Cầu Giấy), Ngã Tư Vọng (Hai Bà Trưng), Ngã Tư Sở (Thanh Xuân).
Nguy cơ cháy nổ khôn lường
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phòng cháy của cơ sở còn yếu kém và chủ quan, các thiết bị PCCC không được bảo đảm khi sự cố xảy ra.
Điểm đáng chú ý là các bãi giữ xe dưới gầm cầu kể trên đều không có hoặc rất ít các thiết bị PCCC, chưa nói các thiết bị này có sử dụng được không khi đã để lâu, không thường xuyên kiểm tra. Nếu xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ, khả năng thiệt hại sẽ khôn lường trong trường hợp sập cầu.
UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, giải tỏa lấn chiếm tại gầm cầu vượt phố Đỗ Đức Dục (Mễ Trì) xong trước ngày 10/10/2014; Sở Xây dựng chỉ đạo trồng cây, cỏ dưới gầm cầu vượt Phú Đô (nút giao Đại lộ Thăng Long) để tạo cảnh quan, chống tái lấn chiếm và giải tỏa bãi đỗ xe gầm cầu phố Đỗ Đức Dục. Tuy nhiên, đến nay nội dung công văn vẫn chưa được triển khai. |
Đại úy Đinh Văn Hậu, Đội trưởng Đội tổng hợp PCCC Cầu Giấy cho biết, nếu xảy ra hỏa hoạn tại các điểm trông giữ xe trái phép dưới gầm cầu thì rất khó khăn để chữa cháy vì khả năng các cơ sở này không trang bị hoặc thiếu các thiết bị PCCC và nguồn nước luôn nằm cách xa khu vực này. Các cấp quản lý nên có chế tài nghiêm khắc đối với các bãi giữ xe trái phép này, cụ thể là dẹp bỏ và tịch thu giấy phép nếu không hoạt động đúng.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho biết, trách nhiệm PCCC chính là của người đứng đầu cơ sở, họ phải quan tâm đến công tác PCCC, chuẩn bị công tác hỗ trợ cho việc PCCC, giáo dục cho cán bộ, nhân viên về việc này.
Theo Đại tá Sơn, quan trọng không phải tần suất kiểm tra bao nhiêu, mà việc kiểm tra đó phải đúng tiêu chuẩn, phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Thông thường, với những công trình của cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt khoảng 40 triệu đồng, còn đối với cơ quan thì phải phạt gấp đôi. Trong 9 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã xử phạt trên 4 tỷ đồng, trong đó có công trình bị phạt đến 100 triệu đồng.
Hữu Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận