Gia đình chị Huỳnh Thị Hạc (phải), xã Chư Hdrông, TP Pleiku đã nuôi gần 80 người tâm thần tại nhà |
Liên tiếp những vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người tâm thần đã xảy ra tại Gia Lai. Tuy nhiên, công tác quản lý đối tượng này vẫn còn quá lỏng lẻo.
Khi người tâm thần vung dao
Theo thống kê chưa đầy đủ của PV Báo Giao thông, tại Gia Lai trong năm 2014 - 2015 xảy ra 4 vụ án hình sự liên quan đến người tâm thần. Điển hình là vụ Vũ Văn Đản (40 tuổi, ở thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai), gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng khiến 7 người thương vong ngày 23/8/2015.
Theo cáo trạng xét xử tháng 4/2016, Đản từng được đưa đi thăm khám về căn bệnh tâm thần, thế nhưng có lẽ sự quan tâm của gia đình và chính quyền sở tại chưa đúng mức nên mới gây ra kết cục đau thương trên. Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bị can Vũ Văn Đản mức án chung thân về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, bị can này còn phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền trên 100 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một người dân nơi xảy ra vụ thảm sát bức xúc: “Đản bị điên. Bây giờ chỉ mong những gia đình có người thân bị tâm thần cảnh giác, phát hiện bệnh thì đem đi chữa trị sớm. Cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp đưa những người bị tâm thần có thể gây nguy hiểm cách ly với khu dân cư. May mà ở chỗ Đản gây án dân cư thưa thớt. Nếu Đản vung dao ở gần cổng trường học thì không biết hậu quả sẽ như thế nào...”.
Mới đây, tại làng Bang, xã Ia Chía (Ia Grai, Gia Lai) cũng xảy ra vụ án con trai nghi tâm thần cầm dao đâm chết cha trong đêm. Theo đó, khoảng 1h30 ngày 12/5, Rơ Mal Nho (SN 1999, trú làng Bang) đã cầm 1 con dao dài khoảng 55cm đi vào giường ngủ của bố là ông Kpuih Uân (SN 1976), đâm một nhát vào vùng bụng. Ông Uân tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Hiện, cơ quan chức năng đang thực hiện giám định tâm thần đối với Nho trước khi xét xử.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông trên địa bàn TP Pleiku, còn nhiều đối tượng tâm thần vẫn thường lang thang trên các ngả đường. Chị Lê Thị Hoài (khu phố 2, phường Yên Thế, TP Pleiku) cho biết: “Tôi từng gặp những người tâm thần, đáng sợ nhất là khi họ lên cơn, trần truồng chạy khắp khu phố. Vớ được cái gì ném cái đó. Có lần may mà tôi tránh kịp khi một người tâm thần cầm cục đá to ném vào người”.
Người tâm thần gia tăng đột biến?
Theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Gia Lai, hiện cả tỉnh có trên 1.900 người bị bệnh tâm thần; 69 gia đình có 2 người tâm thần trở lên. Theo khảo sát của tỉnh Gia Lai, có 248 người tâm thần gia đình có nhu cầu đưa vào trung tâm nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, Bệnh viện Tâm thần của tỉnh chỉ có rất ít phòng để điều trị bệnh nhân tâm thần. Vì vậy, cơ sở này chỉ có thể điều trị trong thời gian từ 12-13 ngày rồi... cho về nhà.
Liên quan đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần, BS. Võ Đình Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian gần đây, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần ngày càng tăng. Trong đó, nhiều bệnh nhân bị các chứng liên quan đến chất kích thích như: Ma tuý, rượu, áp lực xã hội tăng đột biến. Tỉ lệ bệnh nhân tuổi đời trẻ phát bệnh tâm thần cũng tăng…”.
Chỉ tính riêng năm 2015, Bệnh viện Tâm thần đã phát hiện và đưa đi điều trị 170 bệnh nhân. Dự tính năm 2016, sẽ phát hiện thêm 200 bệnh nhân mới. “Nhiều gia đình khánh kiệt cũng vì có người bị tâm thần. Ví dụ, trong một gia đình có người tâm thần sẽ mất nhân lực chăm sóc, coi quản người này. Lúc ấy, gia đình đó sẽ rất mệt mỏi, kinh tế gia đình dần sụt giảm…”, BS. Hiệp cho biết.
Theo BS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai, người tâm thần là một nhóm người khuyết tật đặc biệt, rất cần sự quan tâm trợ giúp của gia đình, xã hội và cộng đồng. “Hiện nay, do hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người tâm thần thường bị miệt thị, coi thường, xa lánh. Gia đình người tâm thần phải chăm sóc lâu ngày nên chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế đã khiến người nhà buông xuôi, nhốt người tâm thần, để đi lang thang hoặc phó mặc cho xã hội“, BS. Tuấn chia sẻ.
Được biết, từ năm 2015, Sở Y tế và Sở LĐ,TB&XH tỉnh Gia Lai đã có đề án bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh để tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung đối tượng bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí, giúp đối tượng này có điều kiện phục hồi chức năng theo đúng chuyên môn, phù hợp với mức độ của từng bệnh, từng trường hợp. “Lãnh đạo tỉnh cũng đã thể hiện quyết tâm thực hiện đề án, song đến nay vẫn chưa thống nhất”, BS. Tuấn nói.
Cảnh giác với người tâm thầnĐối với trường hợp người tâm thần gây nên sự việc nghiêm trọng thì cần phải xem xét thông qua các kết luận giám định tâm thần khi đưa ra xét xử.Theo đó, người bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm. Bởi, theo quy định thì người đó đang trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, nghi phạm chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử vụ án, nhiều trường hợp còn bị xử lý với mức rất nhẹ. Luật sư Lê Văn Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận