Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp bàn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tìm giải pháp “giải cứu” ngành này. (Ảnh minh họa) |
Lý giải về cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, bên cạnh nguồn cung đang vượt cầu, việc tổ chức ngành hàng này cũng chưa tốt. Trên cả nước có tới 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 55% thị trường) đã khiến cho việc kiểm soát theo chuỗi khó khăn, giá thành cao, các khâu tách rời… Do đó, khi thị trường có biến cố thì gây ra thiệt thòi lớn cho nông dân sản xuất nhỏ. Trong khi đó, khâu chế biến và tổ chức thị trường xuất khẩu kém khiến tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều èo uột…
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần nhanh chóng tái cơ cấu ngành này theo hướng rà soát, giảm quy mô tốc độ tới mức phù hợp nhất. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN ngay lập tức có động thái chia sẻ với bà con bằng cách hạ các yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị. Bởi theo ông Cường, các DN lớn có điều kiện chế ngự rủi ro tốt hơn.
Đồng tình với chỉ đạo trên, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, trong suốt 20 năm qua, ngành chăn nuôi được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề thuế suất với các nguyên liệu đầu vào. Do đó, thời điểm này các DN, đặc biệt là DN chế biến thức ăn chăn nuôi nên có trách nhiệm chia sẻ với người nông dân. Theo ông Lịch, hiện giá lợn xuống chỉ còn 23-25 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn trung bình vào khoảng 9 nghìn đồng/kg. Trung bình để tạo ra 1 kg thịt lợn cần 4 kg cám. Với phép tính này, có thể dễ dàng hình dung người nông dân đang thua lỗ nặng nề như thế nào. “Nếu các cơ sở chăn nuôi “chết” thì các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng chỉ thành… đống sắt vụn”, ông Lịch cảnh báo.
Tại cuộc họp, đại diện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, đã có động thái giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 4 - 7% và tiếp tục bàn bạc để có thêm hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận