MC Phan Anh bị "đấu tố" trong chương trình 60 phút mở? |
Phan Anh bị "đấu tố"
Mới đây, chương trình 60 phút mở phát sóng trên kênh VTV1 gây ra “làn sóng” tranh cãi trên mạng xã hội. Theo đó, với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì”, các nhân vật cùng tranh luận một cách thiết thực và khách quan về động cơ khi một người chia sẻ điều gì đó trên mạng xã hội.
Nhân vật chính ở đây là MC Phan Anh, người hay có nhiều chia sẻ và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Anh cho biết, mình chia sẻ nhằm bày tỏ quan điểm của mình với mọi người. Đồng thời, muốn có những tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ và thẳng thắn.
TS. Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý Học viện thanh thiếu niên Việt Nam giải thích, theo thuyết động cơ của David Mcclelland, một người chia sẻ trên mạng xã hội chủ yếu của ba động cơ: Thứ nhất là động cơ tồn tại, vì con người luôn luôn mong muốn người khác biết đến mình. Thứ hai là nhu cầu liên kết, giao tiếp. Chúng ta muốn kết nối với nhiều người, muốn bày tỏ quan điểm của mình với những người khác. Thứ ba là động cơ quyền lực. Động cơ này có nghĩa rằng con người muốn những điều mình nói, những thông tin mình chia sẻ sẽ có những ảnh hưởng, tác động để người khác phải nghe theo.
Trong khi đó, nhà báo Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Trong lòng chúng ta có một cảm xúc, Phan Anh muốn chia sẻ cảm xúc của mình. Còn việc tiếp nhận những cảm xúc đó như thế nào là tùy mỗi người”. Thậm chí, nhà báo Hồng Thanh Quang còn cho rằng Phan Anh đang ngụy biện khi anh nói, mọi người cần đọc kỹ những gì người khác viết thay vì chỉ nhìn vào clip chia sẻ, bởi nếu không sẽ trở thành người hấp tấp.
Tổng biên tập báo Đại đoàn kết nhận định: “Không ai quan tâm đến việc bạn nghĩ gì trong đầu. Bạn đã khiến rất nhiều người yêu thương, tin tưởng bạn, đó là điều khiến người khác đánh giá bạn”.
Cuộc tranh luận gay gắt giữa các khách mời trong chương trình gồm khiến không ít người bất bình và cho rằng, chương trình đang tìm mọi cách để dồn MC Phan Anh phải thừa nhận hành vi chia sẻ của mình là sai.
Chương trình là dàn dựng, cắt ghép?
Nhiếp ảnh gia Na Sơn, một trong những khách mời tham gia chương trình đã lên tiếng trên trang cá nhân. Anh cho biết mình ủng hộ quan điểm của Phan Anh và thực sự nể nam MC vì bản lĩnh, sự chính trực.
Anh nói: “Clip phát trên tivi là biên tập, cắt cúp rất nhiều từ cuộc nói chuyện, tranh luận hơn 2 tiếng. Có những thứ rất hay đáng nhẽ nên cho vào để cân bằng. Ví dụ như Phan Anh nói: “Tôi phải tin VTC chứ vì đó là nguồn tin chính thống, là đài truyền hình nhà nước, cũng như mọi người tin vào cái phóng sự... quét rau của VTV vậy”.
Nhiếp ảnh gia này cho biết thêm, tại trường quay trực tiếp, Phan Anh không hề bị lép vế, mặc dù việc sắp xếp của chương trình để nam MC “đối mặt” với sự chỉ trích từ đầu.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng lên tiếng phân tích việc cắt ghép nội dung chương trình: “Cảm giác Phan Anh hơi yếu là do dựng phim. Ví dụ, phần trả lời của khách mời thường bị cắt ngắn hơn. Phần đối đáp của Phan Anh cũng có giữ vài “Em phản đối”, “Em xin đính chính” là để khách quan, chứ thực chất sau đó ghép với các kiến giải hoặc phản bác rất bình tĩnh của nhóm chuyên gia. Động cơ ghét này nhằm mục đích để nói: “Phan Anh ơi, máu quá nhưng cậu sai rồi cậu phản đối hoặc đính chính chỉ càng cho thấy cậu sai thôi”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chỉ ra, nếu nhìn vào các mấu cắt dựng, ta có thể nhìn thấy rất rõ ý tưởng của biên tập hoặc người tạo ra chương trình. Khách mời (đại diện cho số đông mà chương trình muốn nhắm tới) là người có hành vi cần các chuyên gia tham gia vào để chỉ ra - uốn nắn sao cho mục đích tốt phải đi kèm hành vi đúng.
Cô chia sẻ: "Có 2 điều đáng nói: Thứ nhất, 60 phút này cho thấy Phan Anh rất thú vị. Hiếm có chương trình truyền hình nào mà nhân vật lại có sự mới mẻ, ngơ ngác, thay đổi cảm xúc thực tế như Phan Anh trong chương trình.
Thứ hai, những người làm chương trình này không ngu dốt. Họ có thể biên tập cắt ghép, dùng ngôn ngữ dựng phim để tạo ra thông điệp (ra vẻ) khách quan khiến ai xem cũng tức tối và ném đá, thực tế để đưa thông điệp “Đừng im lặng” với “cá chết”, đừng tin ai cả, hãy tỉnh táo share có ý thức!".
Thực tế, theo thuyết động cơ tâm lý của McGuire, động cơ được chia làm hai loại. Thứ nhất là động cơ bên trong không có tính xã hội. Động cơ này bao gồm nhu cầu cân bằng bản thân, đánh giá và thiết lập các trật tự, nhu cầu quan sát, tìm hiểu nguyên nhân của sự việc và vật thể, nhu cầu có sự độc lập tự kiểm soát bản thân và cuối cùng, đó là nhu cầu tìm kiếm sự đa dạng và khác biệt, mới lạ trong cuộc sống.
Thứ hai là động cơ bên ngoài mang tính xã hội - đó là nhu cầu của con người liên quan trực tiếp trong mối tương tác xã hội. Động cơ này bao gồm nhu cầu tự thể hiện bản thân, nhu cầu nhận được sự quý trọng, nhu cầu khẳng định cái tôi, nhu cầu hành động theo hướng hoặc phù hợp với một nhóm người khác để nhận được sự ủng hộ.
Hiện tại, trước những ầm ĩ phân tích ai đúng ai sai vẫn chưa kết thúc, MC Phan Anh vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Chúng tôi cũng liên hệ với nhà báo Tạ Bích Loan nhưng chưa thể kết nối máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận