Thế giới

Giải mã nguồn tiền khổng lồ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng

15/09/2014, 07:26

Cuối tuần qua, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết, số lượng chiến binh thánh chiến của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) lên đến 31.000 người, cao gấp ba dự đoán.

 

Chiến binh IS đứng trên đống hộp thuốc lá cướp được tại TP Raqqa
Chiến binh IS đứng trên đống hộp thuốc lá cướp được tại TP Raqqa

Bảo kê, mãi lộ và buôn dầu

Nhiều tháng trước khi kiểm soát TP Mosul, Iraq, phiến quân IS lùng sục mọi nơi có thể để gom tiền thực hiện chiến dịch tấn công. 7 tháng nay, một chủ cửa hàng tạp hóa tại Mosul phải trả cho IS 100 USD/tháng. Đổi lại, ông nhận được tờ biên nhận có viết: “Nhận từ ông…, tổng cộng số tiền…. ủng hộ cho Mujahideen”. Ông này kể lại: Phiến quân đến đòi tiền ông lưỡng lự không đưa, chúng đánh bom bên ngoài cửa hàng và dọa “nếu bất cứ ai dám từ chối, chúng sẽ bắt cóc và yêu cầu gia đình trả tiền chuộc”.   

Ngày 13/9, IS công bố đoạn video chặt đầu nhân viên cứu trợ người Anh - David Cawthorne Haines, 44 tuổi, bị bắt tại Iraq năm ngoái. Trong đoạn video, kẻ đeo mặt nạ cho biết, đây là “thông điệp gửi tới đồng minh của Mỹ”. Vụ hành quyết này nhằm trả đũa việc Anh tham gia liên minh các nước do Mỹ dẫn đầu chống lại IS. “Công dân Anh này phải trả giá cho lời hứa của ông, Cameron, vì ông trang bị vũ khí cho binh lính Kurd chống lại IS” - kẻ đeo mặt nạ nói. Trong đoạn băng, ông Haines cũng cáo buộc Thủ tướng Anh vì không “có dũng khí để nói không với nước Mỹ”. Ở đoạn cuối của video, IS cảnh báo sẽ chặt đầu thêm một người khác có tên Alan Henning nếu ông Cameron tiếp tục chống lại IS.

Một người khác vì quá sợ hãi những hành động đe dọa của IS đã phải đóng cửa hàng và chuyển sang kiếm sống bằng taxi cho biết: “Hệ thống thuế của chúng được tổ chức rất tinh vi. Chúng kiếm tiền từ các chủ cửa hàng nhỏ, trạm đổ xăng, cửa hàng máy phát điện, các xí nghiệp nhỏ, công ty, thậm chí cả dược sĩ và bác sĩ”. 

Câu chuyện trên minh họa cho hàng trăm chủ cửa hàng khác dọc khu vực phía Bắc Iraq và Syria - bất đắc dĩ trở thành người hỗ trợ tài chính IS. Ngoài ra, tại TP Mayadin, đông Syria, IS thành lập các trạm kiểm soát từ nhiều tháng nay để vòi tiền các lái xe. Nguồn tiền này sẽ được dùng để thưởng hoặc trả lương cho binh sĩ thánh chiến. “Hành khách bị bắt phải mở ví, nếu từ chối, chúng sẽ dí súng đe dọa” - một nhà hoạt động lâu năm tại Deir ez-Zor nói với Reuters.

Các nhà phân tích nhận định, nguồn tiền quan trọng nhất nằm ở các mỏ dầu mà IS giành được quyền kiểm soát. Ông Luay Al-Khatteeb đến từ Trung Tâm Brookings Doha, vừa hoàn thành nghiên cứu mở rộng về hoạt động buôn lậu dầu của IS cho hay, nhóm này hiện đã tiếp cận được 5 mỏ dầu tại Iraq, mỗi mỏ có khoảng 40 - 70 giếng dầu. “Ước tính, họ có thể sản xuất khoảng 25.000 thùng dầu/ngày, dễ dàng mang về khoảng 1,2 triệu USD/ngày”. Tại Syria, “chúng có thể kiếm gấp đôi hoặc gấp ba số đó”. Ngoài ra, một nguồn thu đáng kể khác cho IS là bán đồ cổ trong đó có những món đồ 8.000 năm tuổi mà chúng vơ vét được tại Syria lên đến 36 triệu USD.

 

Khó cắt nguồn tài chính

“Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể là tổ chức khủng bố giàu có nhất mà chúng ta từng biết”, ông Matthew Levitt - cựu quan chức chống khủng bố kiêm tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ nói. Rút kinh nghiệm từ tổ chức tiền thân như Al-Qaeda, IS không dính líu tới hệ thống tài chính quốc tế. IS kiếm tiền bằng cách chính thức hóa hệ thống tài chính nội bộ trong “nhà nước” tự xưng của họ như trên. Vì thế, để có thể cắt đứt đường dây tiếp cận của nhóm này với nguồn tài chính từ địa phương rất khó.

Ông Khatteeb, Giám đốc Viện Năng lượng Iraq cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường buôn lậu dầu của IS thông qua khu vực miền Nam nước này. Nếu thực hiện có hiệu quả, biện pháp này sẽ có tác động rất lớn tới lợi nhuận của IS. Trên tờ New York Times, ông Patrick Johnston và Benjamin Bahney thuộc Tập đoàn RAND chia sẻ quan điểm: Những chiến lược tập trung vào trừng phạt các hoạt động kinh tế quốc tế (nhằm cắt nguồn tài chính của IS) hiện nay không còn tác dụng. Hai tác giả cho biết: “Nhân viên kế toán, hoạt động kinh doanh dầu của nhóm khủng bố này…” nên là những mục tiêu mà các nhà tình báo cần phải nhắm tới để phá vỡ nguồn tài chính của IS. Mặt khác, ông Ahmed al-Sanee, Giám đốc Quỹ từ thiện thuộc Bộ Xã hội Kuwait cho biết, gần đây, nước này “kiểm soát nghiêm ngặt” đối với các hoạt động gây quỹ từ thiện không có giấy phép, tránh tình trạng lợi dụng để quyên tiền cho IS.

Trước khi giành quyền kiểm soát Mosul, tổng tài sản và tiền mặt của IS là 875 triệu USD. Sau này, từ các vụ cướp ngân hàng, bảo kê, trấn lột… tăng thêm 1,5 tỷ USD nữa, theo Guardian. Ngay cả trong bối cảnh IS đang mở rộng quy mô rất nhanh và phải chi trả cho số lượng lớn các tân binh nhưng năm nay vẫn dư thừa 100-200 triệu USD, ông Patrick Johnston nói.

 

Trang Trần  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.