Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu không tiết kiệm sẽ không có nguồn xây sân bay Long Thành |
Đó là quan điểm được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 27/10.
Phải được dân đồng thuận
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: Dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên quan đến người dân, mà đã liên quan đến dân thì có hai vấn đề chính: phải đảm bảo lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất.
Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, đối với người dân, công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng. Bởi nếu dân không thông thì nhiều tiền chưa chắc đã làm được, nhưng một khi dân đã thông rồi, đã đặt lợi ích chung lên trên hết thì chỉ cần đảm bảo lợi ích hài hoà, đôi khi thiệt một chút dân cũng sẵn sàng.
“Đây là vấn đề lợi ích quốc gia nên rất cần đảm bảo hài hoà lợi của của dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần có phương án, chủ động trao đổi, thuyết phục người dân làm sao đạt được nhận thức, đồng thuận về lợi ích chung”, ông Chính nói.
Một vấn đề quan trọng được ông Chính đặt ra là tổ chức lại cuộc sống người dân ra sao. Bài toán này cần có tính toán rất cụ thể, phân loại các hộ dân chịu tác động trực tiếp, gián tiếp để có phương án phù hợp. Cùng với đó, phải quan tâm tới số lao động cần đào tạo, bồi dưỡng để người ta chuyển đổi nghề nghiệp; số không chuyển đổi nghề nghiệp thì giải quyết thế nào. Cần phân tích, phân loại rất cụ thể mới có phương án chu đáo được.
Về ổn định cuộc sống, ông Chính cho rằng cần khuyến khích, động viên người dân chủ động tìm nơi tái định cư, Nhà nước hỗ trợ vốn. “Kinh nghiệm cho thấy làm như vậy sẽ thuận lợi hơn nhà nước tự quy hoạch đưa dân vào. Tất nhiên, vẫn phải quy hoạch khu tập trung để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người dân”, ông Chính nói.
Dự án này ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân, vì thế, đối với các khu tái định cư tập trung, cần xây dựng đủ trường học, cơ sở y tế, chợ… Cần một quy hoạch tổng thể, hiện đại, phù hợp với văn hoá, cuộc sống của nhân dân tại chỗ.
Còn thiếu 18 nghìn tỷ đồng, chưa rõ giải pháp
Vấn đề quan trọng nhất là vốn để giải phóng mặt bằng, với mức 23 nghìn tỷ như báo cáo Chính phủ đã nói, nhưng hiện nay lại mới dành được 5.000 tỷ từ ngân sách, còn thiếu 15 -18 nghìn tỷ đồng, nhưng Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng giải pháp đưa ra chưa rõ.
“Tôi nhớ khủng hoảng năm 2011, chúng ta có nghị quyết giảm 10% chi tiêu. Hiện nay chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính.
Dự kiến chi năm 2017 là gần 1 triệu nghìn tỷ. Nếu tiết kiệm được 1% thì chúng ta đã có 10 nghìn tỷ rồi. Vừa rồi một số tỉnh, TP tiết kiệm được, như Hà Nội 2 năm vừa rồi tiết kiệm được tới 4 – 5 nghìn tỷ đồng”, ông Chính dẫn chứng và đưa ra đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, mà dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên là khả thi.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng ngoài giải pháp trên, cộng với các nghị quyết của T.Ư về tinh giản biên chế, từ nay đến 2021 chúng ta giảm 10% biên chế trong số 4 triệu người ăn lương thì sẽ làm được.
Nếu Bộ Tài chính đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm chi và mỗi địa phương chịu một chút, "góp gió thành bão" là làm được. Nếu không tiết kiệm sẽ không có nguồn để xây dựng sân bay Long Thành”, ông Chính phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận