Hàng dài người và xe xếp hàng trước các cây xăng trước giờ tăng giá |
Theo quyết định mới, từ ngày 18/11, Indonesia tăng giá xăng dầu thêm 30% so mức giá cũ. Để giảm tác động tiêu cực của việc tăng giá nhiên liệu đến đời sống xã hội, nhất là người nghèo và người có thu nhập thấp, Chính phủ áp dụng các biện pháp đền bù và hỗ trợ dưới hình thức cấp các loại thẻ gia đình, thẻ y tế và thẻ thông minh, bảo đảm duy trì sức mua của người dân và khuyến khích họ sản xuất kinh doanh.
Việc tăng giá xăng là bước đi táo bạo đầu tiên của tân Tổng thống nhằm chấn chỉnh nền kinh tế đang đà suy giảm, nửa đầu năm nay giảm còn 5,2% từ mức tăng trưởng trung bình 5,9% giai đoạn 2009-2013. Đây cũng là cam kết ông Widodo đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống tháng 7 vừa qua.
Nói là bước đi táo bạo đầu tiên của Chính quyền Widodo là bởi câu chuyện giảm trợ cấp giá nhiên liệu tại Indonesia là vấn đề nhạy cảm ở “xứ vạn đảo”, cả về mặt kinh tế và chính trị, vì thế rất ít nhà lãnh đạo mạo hiểm thực hiện ngay sau khi nhậm chức. Quyết định cắt giảm trợ cấp của các chính phủ trong quá khứ thường dẫn đến biểu tình, thậm chí kéo theo bạo lực. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã giảm mạnh trợ cấp giá nhiên liệu qua việc tăng gần 45% giá xăng và 24% giá dầu diesel nhằm tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ USD cho ngân sách. Khi đó, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình trên cả nước phản đối quyết định của Chính phủ.
Indonesia thuộc Nhóm những nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và đặt mục tiêu gia nhập nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất. Với hơn 250 triệu dân, Indonesia chịu sức ép rất lớn về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Là nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất châu Á, song nước này cũng có mức trợ cấp giá nhiên liệu cao nhất khu vực. Năm 2012, mức tiêu thụ nhiên liệu được trợ cấp khoảng 285 triệu thùng, trong đó 63% dành cho xăng, 35% cho dầu diesel và 15% cho dầu hỏa.
Người biểu tình phản đối giá xăng tăng xung đột với cảnh sát |
Cùng sự phát triển của đất nước, tầng lớp trung lưu ngày một nhiều hơn. Tập đoàn tư vấn Boston nhận định, tới năm 2020, tầng lớp trung lưu của Indonesia có thể tăng gấp đôi hiện nay, lên hơn 140 triệu người. Trong khi đó, tỷ lệ người nghèo hiện vẫn ở mức 28 triệu người (chiếm 11% dân số) và có thể gia tăng khoảng cách thu nhập nếu không có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Cũng có một số liệu khác cho rằng, hiện nước này đang có tới gần 100 triệu người đang phải sống với mức thu nhập chưa tới 2 USD mỗi ngày. Chính phủ cho rằng, việc trợ giá nhiên liệu tiêu tốn khoảng 23 tỷ USD ngân sách mỗi năm, chủ yếu có lợi cho người giàu. Do đó, kéo dài tình trạng trợ giá nhiên liệu là “tiếp tay” nới rộng khoảng cách bất bình đẳng xã hội. Giảm trợ cấp nhiên liệu chính là phương sách để giảm tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo.
Theo giới chuyên gia, việc tăng giá nhiên liệu sẽ tác động tích cực khả năng đạt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách năm 2015 ở mức 2,2% GDP, đồng thời giảm kim ngạch nhập khẩu năng lượng - nguyên nhân gây mất cân bằng cán cân thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông - Nam Á này và khiến đồng rupial mất giá so USD. Mặt khác, kế hoạch cắt giảm trợ giá nhiên liệu của Chính quyền Widodo được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD cho ngân sách, tạo điều kiện cho chính phủ mới dành ưu tiên triển khai hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách và tăng chi cho phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo.
Quyết định cắt giảm trợ giá nhiên liệu của Tổng thống Widodo khó tránh được sự phản đối của một bộ phận người dân. Song, ông Widodo và chính phủ mới kiên quyết thực hiện quyết sách mới với một lộ trình cụ thể, coi đó là phát súng mở màn cho công cuộc vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm, những cam kết đã đưa ông lên vị trí lãnh đạo đất nước.
Thạch Vũ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận