Tàu chở khách du lịch đón trả khách không đúng quy định ở Cần Thơ - Ảnh: Hồng Thủy |
Vụ lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn (Đà Nẵng) đã cướp đi sinh mạng của 3 người. Vụ tai nạn thương tâm này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý với loại tàu, thuyền du lịch trên khắp cả nước. Đáng lo ngại, tình trạng tàu, thuyền du lịch "ba không" (không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn) vẫn đang hoạt động hàng ngày, hàng giờ, có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người bất cứ lúc nào.
Kỳ 1: Ngồi run trên đò du lịch chui
Cùng với nhu cầu du lịch tăng cao, những chiếc tàu chở khách, những con đò “ba không”: Không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn đang “trăm hoa đua nở”.
“Học hành gì đâu mà có chứng chỉ chuyên môn”
Ngày 8/6, trong vai khách du lịch, PV Báo Giao thông đến khu vực bến tàu du lịch đường thủy ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Vừa tới nơi, chúng tôi đã nhận được hàng chục lời mời của các chủ đò: “Anh Hai ơi, cần đi du lịch ở cồn nào, em sẵn sàng phục vụ, đảm bảo an toàn, giá cả phải chăng”.
Chủ đò tên N.T.L. cho biết, giá một chuyến du lịch trên sông từ Mỹ Tho sang một cồn đi 2 người trở lên giá 400 nghìn đồng, bao ăn trái cây. Sau khi thỏa thuận giá cả xong, chị L. đưa tôi xuống đò, bằng con đường chui qua lan can bảo vệ bờ kè sông Tiền để xuống cầu tàu rồi bàn giao tôi cho một phụ nữ khác, tên N.T.H. (trú tại phường Tân Long, TP Mỹ Tho).
Theo ghi nhận của PV, hoạt động của tàu, thuyền tại Quảng Ninh khá quy củ và chặt chẽ. Điểm bất cập đáng kể nhất chủ yếu liên quan đến việc cung đang vượt quá nhiều so với cầu. Theo số liệu thống kê mới nhất, trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long có 534 tàu với công suất tối đa lên tới 10 triệu khách/năm, trong khi đó, năm 2015, số lượng khách tham quan trên 2 vịnh này chỉ khoảng 2,5 triệu lượt. Tình trạng số lượng tàu du lịch tăng nhanh như trên theo các cơ quan chức năng, có thể dẫn đến việc các cảng, bến, điểm tham quan trên vịnh và tuyến luồng có nguy cơ quá tải, mất an toàn. |
Chị H. là chủ chiếc đò không số đang neo đậu chờ khách. Tôi hỏi đò này có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận chuyên môn gì không, chị lái đò trả lời không có. “Nhưng anh Hai yên tâm đi, tụi em đưa khách bao nhiêu năm có rất nhiều kinh nghiệm…”, chị lái đò trả lời.
Chiếc đò của chị H. loại nhỏ, có tải trọng khoảng 750kg. Theo lời chị, chiếc đò này được mua lại của một người từ Vĩnh Long với giá hơn 5 triệu đồng. Sau đó về sửa lại hơn chục triệu đồng để đưa vào chở khách du lịch tham quan cồn. Run rẩy, bất an là cảm giác đầu tiên khi chúng tôi ngồi trên đò của chị H. Chiếc đò này được trang bị sơ sài với 6 ghế ngồi, ràng rịt vào hai bên bằng những sợi dây không chắc chắn. Phía trên lắp 4 trụ sắt, kéo tấm bạt che nắng, bên trong không có áo phao cứu sinh, không bình chữa cháy…
Chị H. cũng thừa nhận, chiếc đò được đưa vào hoạt động tại bến khách Mỹ Tho hơn hai năm nay nhưng chưa có đăng kiểm hay giấy phép kinh doanh gì cả. Ngoài việc đưa khách sang sông, chị còn đưa khách du lịch tại các cồn với giá từ 200 nghìn đồng trở lên.
Sau khi tham quan các điểm du lịch ở cồn Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), thưởng thức mật ong, trái cây, mua quà lưu niệm, chúng tôi tiếp tục thuê đò của chị H. quay lại Mỹ Tho để tiếp tục hành trình sang cồn Phụng (Bến Tre). Điều kỳ lạ là suốt cuộc hành trình gần 30 phút trên sông Tiền với chiếc đò “ba không” như thế, nhưng không thấy ai kiểm tra. Trước khi chia tay, chị H. và những người bạn nói với tôi: “Khi nào anh có đi nữa, điện thoại cho em trước ít phút, thỏa thuận giá cả là đi ngay, không cần mua vé”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên những con đò đưa đón khách du lịch ở Cần Thơ. Ngay trên bến Ninh Kiều, ông Nguyên Văn Tư một chủ đò hoạt động lâu năm thừa nhận, đò của ông chưa đăng ký, đăng kiểm và cũng không cần mua bảo hiểm. Bản thân ông Tư cũng chẳng có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn gì. “Thấy người ta chạy đò chở khách du lịch có tiền, mình cũng tham gia thôi. Chứ có học hành gì đâu mà có chứng chỉ chuyên môn”, ông Tư nói và cho biết, loại đò này chỉ chở được tối đa 4 người nên cũng không... nguy hiểm lắm(?!).
Đáng nói hơn, những chủ đò như ông Tư không hiếm ở Cần Thơ. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 106 đò (39 đò chèo tay, 67 đò chèo máy). Các chủ phương tiện này đa số có hộ khẩu thường trú ở quận Cái Răng. Hoạt động chủ yếu là đưa đón khách qua sông và đều không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, không theo nền nếp, không có bến bãi neo đậu nên gây mất TTATGT đường thủy trên địa bàn.
Đò “ba không” chở khách du lịch trên sông Cần Thơ |
Thuyền du lịch muôn kiểu vi phạm
Không quá “vô tổ chức, vô kỷ luật” như đò “ba không”, nhưng hoạt động của các thuyền du lịch trên sông, trên vịnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Tại TP Huế, PV Báo Giao thông ghi nhận lượng phương tiện du lịch trên sông Hương lên tới hàng trăm chiếc thuyền rồng. Dù đã từng có hành khách đuối nước vì rơi xuống sông Hương khi lên thuyền nghe ca Huế, nhưng hoạt động của các thuyền du lịch ở đây vẫn rất chủ quan, trong khi hành khách dường như không có nhu cầu tự phòng tránh nguy cơ TNGT.
Có mặt tại bến thuyền du lịch Tòa Khâm (49 Lê Lợi, TP Huế) trong vai khách du lịch, PV không mấy bất ngờ khi không có bất kỳ nhân viên trên tàu nào đến hướng dẫn hành khách mặc áo phao. 2 đống áo phao trên thuyền được “xếp xó” trong các bịch nilon ở 2 góc phía sau khoang hành khách. Tôi xin được lấy áo phao nhưng nhân viên chẳng mặn mà: “Anh an tâm, thuyền em chất lượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối”, nữ nhân viên này trấn an.
Khó lắm PV mới được nhân viên miễn cưỡng đưa cho cái áo phao. Nhưng tôi hoàn toàn lạc lõng, nhận ánh mắt có phần “nghi ngại” từ chủ tàu đến hành khách. Trên thuyền chẳng ai để ý chuyện mặc áo phao, dù có rất nhiều trẻ em. Đáng chú ý, ngoài trình diễn ca Huế, thuyền rồng chở khách ban đêm trên sông Hương còn có tiết mục bật lửa thắp nến hoa đăng ngay trong khoang hành khách. Nhiều trẻ nhỏ đua nhau ra trước mũi thuyền để thả hoa đăng trong ánh sáng lờ mờ.
Tìm mãi, PV mới thấy bình chữa cháy trên thuyền được cất quá cẩn thận trong “kho” phía sau khoang hành khách. Cách bức tường nhôm ngăn cách là căn bếp trên tàu với chiếc bếp ga mini chễm chệ. Thực tế, nhiều chiếc thuyền rồng còn để cả những bếp lửa đun bằng cồn trên bàn để “thượng đế” thưởng thức các món nướng, lẩu (!).
Tại Cần Thơ, các chủ thuyền du lịch lại “sáng tạo” hơn khi cố tình cập những bến nhỏ không phép, đón trả khách để “khỏi phải đóng phí”. Khoảng 8h10 ngày 8/6, PV đã ghi lại được cảnh chiếc thuyền chở khách du lịch CT 03819 của Công ty TNHH MTV du lịch Hoa Gương do tài công Ngô Bảo Quốc (SN 1984) điều khiển đã ghé trả khách tại một bến nhỏ do người dân tự lập tại khu vực 3, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Lúc này trên thuyền chở 10 khách, phần lớn là người nước ngoài. Những người dân khu vực này cho biết, thuyền chở khách du lịch thường xuyên đón trả khách ở bến do dân tự lập dù các bến này đều không đủ điều kiện để đón trả khách. Vì thế, nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài rất khó xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận