Bối cảnh "nhạy cảm"
Ngày 31/1, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường từ Washington tới thành phố New York để tham dự sự kiện về cơ sở hạ tầng, ông nhận được thông báo từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley về việc phát hiện khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời bang Montana.
Trong quá trình theo dõi đường bay của khí cầu, một số quan chức Mỹ cảnh báo khí cầu có thể di chuyển gần căn cứ không quân đặt các silo chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ tại bang Montana.
Thời điểm khí cầu xuất hiện trong không phận Mỹ cũng khá nhạy cảm khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị có chuyến thăm Trung Quốc theo một trong những nội dung được nhất trí trong cuộc gặp giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia cuối năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được phóng viên phỏng vấn về vụ khí cầu ngay khi xuống sân bay Hagerstown. Ảnh - AFP
Trong cuộc trao đổi ngày 31/1, ông Milley báo cáo với Tổng thống Biden rằng khác với những thiết bị do thám trước đây của Trung Quốc, khí cầu dường như di chuyển theo lộ trình rõ ràng vào bên trong lục địa Mỹ.
Vào thời điểm đó, ông Biden nghiêng về phương án bắn hạ khí cầu và yêu cầu ông Milley cùng các quan chức quân đội Mỹ khác vạch phương án để thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia thực hiện biện pháp ngăn chặn khí cầu thu thập thông tin tình báo.
Cân nhắc thời điểm, vị trí bắn hạ
Ngay trong đêm 31/1, các quan chức Lầu Năm Góc tham gia cuộc họp để đánh giá các phương án xử lý khí cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, khi đó đang công du châu Á, tham gia cuộc họp qua hình thức trực tuyến.
Các chuyên gia NASA cũng tham dự cuộc họp để đánh giá phạm vi ảnh hưởng của mảnh vỡ trong trường hợp bắn hạ khí cầu.
Trao đổi với hãng tin CNN, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng quyết định đợi khí cầu di chuyển ra vùng biển rồi mới bắn hạ cho phép Washington nghiên cứu kỹ thiết bị. “Chúng tôi đã tìm hiểu được một số yếu tố về công nghệ và khả năng do thám của khí cầu. Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn tìm hiểu được nhiều thông tin khác nếu thu thập được các mảnh vỡ”, vị quan chức cho hay.
Ngày hôm sau, khi các phương án được trình lên Tổng thống Mỹ, ông Biden chỉ đạo quân đội bắn hạ khí cầu ngay khi có thể, đồng thời lưu ý tới nguy cơ đe dọa dân thường, tài sản trên mặt đất.
Tuy nhiên, ông Austin và ông Milley thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng rủi ro từ việc bắn hạ khí cầu khi thiết bị di chuyển trên bầu trời nước Mỹ là rất cao và đề nghị chờ tới khi khí cầu di chuyển tới khu vực an toàn để bắn hạ.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng yêu cầu quân đội Mỹ tuy bắn hạ khí cầu nhưng vẫn đảm bảo khả năng thu thập mảnh vỡ để cộng đồng tình báo phân tích thành phần, tìm hiểu khả năng của thiết bị. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng việc bắn hạ khí cầu trên mặt biển sẽ tăng cao cơ hội thu thập mảnh vỡ của thiết bị hơn so với trên đất liền.
Tổng thống Mỹ thường xuyên được cập nhật thông tin về sự việc khí cầu, bao gồm quan chức an ninh quốc gia Mỹ báo cáo về các cuộc trao đổi với giới chức Trung Quốc, quan chức quân đội cập nhật phương án xử lý thiết bị.
Giới chức quân đội và tình báo Mỹ gấp rút xác minh rủi ro với an ninh quốc gia của Mỹ từ khí cầu Trung Quốc cũng như huy động phương tiện, bao gồm máy bay quân sự để theo dõi khí cầu khi thiết bị này di chuyển tại khu vực miền trung nước Mỹ.
Dù đánh giá khí cầu không có nhiều giá trị trong khả năng thu thập thông tin tình báo cũng như không đe dọa trực tiếp an toàn của dân thường nhưng Chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì quan điểm cần bắn hạ khí cầu ngay khi thiết bị di chuyển ra vùng biển.
Khoảnh khắc quyết định
Tới đêm 3/2, phương án bắn hạ khí cầu vào ngày hôm sau được trình lên Tổng thống Biden và được chấp thuận. Trong đêm đó, các quan chức FAA được thông báo sẵn sàng đợi quyết định về việc đóng không phận vào sáng 4/2 và lập tức thi hành khi có lệnh.
Khoảnh khắc tên lửa bắn trúng khí cầu của Trung Quốc
Ngay đầu giờ chiều 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin ra quyết định bắn hạ khí cầu. Tới 13h30 (giờ miền đông Bắc Mỹ), FAA ra lệnh Hạn chế Chuyến bay Tạm thời áp dụng trong khu vực rộng 150 dặm bao gồm 3 sân bay Wilmington (bang Bắc Carolina), Myrtle Beach và Charleston ở bang Nam Carolina.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết Bắc Kinh lên án mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ khí bắn hạ khí cầu mà Bắc Kinh khẳng định là sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và các mục đích khoa học khác.
“Trung Quốc đã đề nghị Mỹ xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Mỹ đã phản ứng thái quá khi kiên quyết dùng vũ lực”, theo nội dung thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Một giờ sau, các tiêm kích của quân đội Mỹ xuất phát từ căn cứ Không quân Langley, bang Virginia, đã thực hiện nhiệm vụ bắn hạ khí cầu.
Sau đó, Tổng thống Biden tiếp tục được nhóm cố vấn an ninh quốc gia báo cáo tình hình khi mảnh vỡ của khí cầu rơi xuống biển.
Quyết định dừng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ
Song song với nỗ lực xử lý khí cầu của quân đội Mỹ, giới chức ngoại giao nước này cũng đánh giá tính khả thi của chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken.
Các quan chức Nhà Trắng từng bày tỏ vui mừng khi quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu ấm trở lại sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập cuối năm ngoái. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố tạm dừng đối thoại trên nhiều lĩnh vực với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8/2022.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau sự việc khí cầu. Đêm 1/2, quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Washington được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi Ngoại trưởng Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman gửi thông điệp rõ ràng và kiên quyết trước việc phát hiện khí cầu Trung Quốc trong không phận Mỹ.
Bản thân ông Biden cũng chia sẻ với các quan chức an ninh quốc gia rằng đây không phải thời điểm thích hợp cho chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken. Cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc vài giờ trước lịch khởi hành theo dự kiến.
Video tiêm kích Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận