Trong vài ngày qua, thông tin về việc Go-Jek, một nền tảng công nghệ đa dịch vụ đến từ Indonesia, bị từ chối đơn đăng ký hoạt động gọi xe ở Philippines đang gây xôn xao dư luận. Đây được coi là một trở ngại không hề nhỏ trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á của công ty công nghệ này.
Bị từ chối thẳng thừng
Hôm 9/1, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc Ủy ban Điều hành và nhượng quyền thương mại giao thông đường bộ (LTFRB) của Philippines từ chối đơn đăng ký triển khai dịch vụ gọi xe của Go-Jek.
Ông Martin Delgra, Chủ tịch LTFRB cho biết, Velox Technology Philippines, công ty con của hãng công nghệ đến từ Indonesia này đã không đáp ứng yêu cầu về sở hữu nước ngoài và đơn đăng ký không được xác thực theo đúng pháp luật.
Trong thông báo được đưa ra, LTFRB nêu rõ: “Ủy ban của Philippines quyết định từ chối đơn yêu cầu công nhận Velox Technology Philippines là Dịch vụ mạng lưới vận tải, do không thể xác thực các vấn đề theo quy định của Mục II Thông tư 2015-015-A ngày 23/10/2017; đồng thời đã vi phạm Khoản 11, Điều VII của Hiến pháp Philippines năm 1987”.
Theo Hiến pháp Philippines, chỉ công dân trong nước hoặc doanh nghiệp mà công dân Philippines sở hữu tối thiểu 60% cổ phần mới có thể vận hành dịch vụ công cộng. Giới hạn quyền sở hữu nước ngoài ở mức 40% đối với một số ngành. Tuy nhiên, Velox lại thuộc sở hữu hoàn toàn của Go-Jek.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của công ty công nghệ này - Grab, lại đang là đơn vị cung ứng dịch vụ gọi xe lớn nhất Philippines, đã tuân thủ giới hạn 40% bằng cách hợp tác với một công ty địa phương có tên MyTaxi. PH Inc.
Phát biểu với hãng thông tấn Reuters, ông Delgra khẳng định: “Nếu Go-Jek muốn kháng cáo thì đó là lựa chọn của họ”. Tuyên bố này đã cho thấy thái độ cương quyết của chính quyền Philippines đối với việc đăng ký hoạt động kinh doanh tại đất nước của họ.
Các chuyên gia nhận định, động thái này là thử thách không nhỏ trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á của Go-Jek, vốn đang bị chi phối bởi Grab.
Có còn cơ hội cho Go-Jek?
Sau khi bị bác đơn đăng kí hoạt động, người phát ngôn của Go-Jek chia sẻ, công ty sẽ vẫn tiếp tục làm việc tích cực với LTFRB và các cơ quan chính phủ khác tại Philippines, để có thể triển khai dịch vụ.
Chính quyền Indonesia cũng đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với kế hoạch mở rộng thị trường của Go-Jek. Theo tờ Katadata, ông Rudiantara, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia đã đề xuất chính phủ nước này cho phép Revolution Precrafted, một công ty khởi nghiệp của Philippines, được gia nhập thị trường Jakarta.
Yêu cầu duy nhất của ông là Chính phủ Manila cũng phải cho phép Go-Jek được hoạt động tại đất nước Philippines. Việc đưa ra biện pháp đánh đổi như trên được vị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia đánh giá là hoàn toàn khả thi, bởi tại quốc gia này chưa có bất cứ một công ty khởi nghiệp nào kiểu như Revolution Precrafted.
Đây vốn là doanh nghiệp chuyên phân phối nhà được thiết kế sẵn. Công ty nhận đặt hàng trực tuyến qua website với giá trung bình 120.000 USD/căn và giao tới bất kỳ nơi nào trên thế giới trong ít nhất 90 ngày.
Ông Rudianrara nhận định, Revolution Precrafted có thể giúp chương trình xây dựng một triệu ngôi nhà mỗi năm của Chính phủ Indonesia tới gần mục tiêu hơn.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, khả năng Revolution Precrafted gia nhập thị trường Indonesia phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Chính phủ Philippines trong việc bỏ qua các ràng buộc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với Go-Jek.
Được thành lập vào năm 2011 tại Jakarta (Indonesia), Go-Jek đã phát triển từ một lĩnh vực là gọi xe, thành ứng dụng đa dịch vụ, bao gồm: Giao đồ ăn nhanh, mua sắm và thanh toán điện tử…
Năm ngoái, Go-Jek tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines. Đây được coi là một bước đi đầy tham vọng của công ty công nghệ này trong việc chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á tiềm năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận