Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 13/5 - Ảnh: Đình Quang |
Thúc GPMB tuyến cao tốc cửa ngõ Thủ đô
Hôm qua (13/5), sau khi kiểm tra hiện trường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, đây là dự án trọng điểm án ngữ cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội nhưng đang gặp nhiều khó khăn về công tác GPMB khiến tiến độ công trình bị chậm. Hiện, trên tuyến chính còn 11 vị trí chưa được bàn giao mặt bằng, kéo dài 2.084m với 127 hộ dân nằm trong phạm vi 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Có những vị trí đã được gia hạn hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng 7, 8 lần, thậm chí hơn chục lần nhưng đến nay vẫn chưa xong.
“Ngoài nguyên nhân khách quan do tuyến đường đi qua nhiều huyện, khu dân cư, còn có nguyên nhân chủ quan từ sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện dự án còn chưa chặt chẽ. Thời gian tới, dứt khoát không cho phép tình trạng chậm trễ tiếp diễn. Chúng ta phải hoàn thành dự án này càng sớm càng tốt để đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện nhất”, Bộ trưởng nói.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với TP Hà Nội tiến hành rà soát, nghiên cứu phương án đầu tư nút giao Pháp Vân. Vụ Đối tác công - tư, nhà đầu tư nghiên cứu nút giao kết nối vào Khu công nghệ Phú Xuyên… |
Để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho dự án, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị liên quan phải tập trung hoàn chỉnh các khu tái định cư. “11 vị trí còn vướng mắc mặt bằng, nhu cầu tái định cư rất lớn. Theo hồ sơ được duyệt, dự án xây dựng 5 khu tái định cư. Đến nay đã hoàn thành 4 khu, còn lại một khu tái định cư mới được bàn giao mặt bằng phải tập trung làm ngay. Chúng ta phải hoàn thành các khu tái định cư theo đúng hồ sơ được duyệt, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng điện, nước, đường kết nối giao thông… đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con chuyển đến nơi ở mới phải bằng hoặc hơn chỗ ở hiện tại”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, nhà đầu tư phối hợp chặt với chính quyền địa phương tập trung giải quyết, xử lý các điểm còn vướng mắc mặt bằng đồng bộ trên cả tuyến chính và đường gom, chi trả một lần cho người dân. “Nếu bà con thắc mắc về giá, chúng ta phải căn cứ vào chính sách theo quy định, rà soát kỹ lưỡng, cái nào thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội, chính quyền địa phương báo cáo TP Hà Nội giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền, TP Hà Nội cần báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý”, Bộ trưởng nói.
Đề cập đến công tác thi công, Bộ trưởng yêu cầu các nhà thầu phải huy động máy móc, thiết bị, tập trung tối đa. Công trình đã kéo dài 3-4 năm, cần phải hoàn thành càng sớm càng tốt. “Nhà đầu tư khẩn trương rà soát lại, nhà thầu nào không đáp ứng, không thể huy động máy móc, thiết bị cần xử lý ngay bằng cách cắt thầu, tịch thu bảo lãnh hợp đồng. Phải có thời gian, lộ trình rõ ràng, không thể kéo dài lê thê mãi”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra một hạng mục tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông |
Không lùi tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trước đó, chiều 12/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp đi tàu thị sát công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, hạng mục xây dựng cơ bản của dự án đã hoàn thành hơn 95%. Hệ thống thiết bị hoàn thành 60%. Tiến độ các hạng mục chính đang đảm bảo theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đang chậm. Tổng thầu mới được giải ngân đợt đầu với 7,2 triệu USD do chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán.
Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án của tổng thầu cho biết, kế hoạch dự kiến đến 30/5 hoàn thiện lắp đặt thiết bị (chưa gồm thiết bị PCCC) và ngày 31/5 đóng điện; 30/6 hoàn thiện xây dựng cơ bản nhà ga; 15/7 hoàn thiện khu Depot; 16/6 - 20/9 căn chỉnh đồng bộ, tháng 12/2018 đáp ứng yêu cầu vận hành khai thác thương mại.
“Tiến độ thi công dự án đang gặp 3 khó khăn chính là: Chậm giải ngân cho tổng thầu; thủ tục đấu nối nguồn điện chính thức cho dự án và các thủ tục liên quan đến nghiệm thu, bàn giao”, ông Đường Hồng nói và nêu ví dụ: Muốn xong hồ sơ để thanh toán cần phải nghiệm thu, nhưng khó nghiệm thu, bàn giao vì phải chờ thẩm định, bàn giao. Đại diện tổng thầu cũng cho biết, đang phải ứng khoản vốn lớn để thi công và nêu khả năng có thể không đảm bảo tiến độ chạy thử dự án và khai thác thương mại.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và đi tàu kiểm tra toàn tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá tuyến đường sắt này vận hành êm thuận hơn so với đường sắt quốc gia. Bộ trưởng cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc nên tổng thầu cần nỗ lực hơn để dự án đạt tiến độ chạy thử, khai thác thương mại trong năm 2018.
Không chấp nhận việc lùi tiến độ, Bộ trưởng cho rằng, khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước khơi thông, cũng như đã giải ngân được đợt đầu, vì vậy không thể để khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ.
“Các đơn vị phải nỗ lực hơn để đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018”, Bộ trưởng nói và yêu cầu để giải ngân nhanh, cần giải quyết ngay vướng mắc trong giải ngân thanh toán cho tổng thầu.
“Những hạng mục liên quan đến thủ tục như kiểm định, thí nghiệm để hoàn thiện hồ sơ thanh toán, Ban Quản lý dự án tạm ứng cho tổng thầu 80% kinh phí để thanh toán phần thiết bị đã đưa về dự án và để tổng thầu có vốn đẩy nhanh tiến độ các hạng mục khác. Những gói thầu, hạng mục đã xong, tổng thầu phải có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, để nhận thanh toán 100% kinh phí”, Bộ trưởng chỉ đạo và khẳng định, Bộ GTVT luôn sẵn sàng giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ. Nếu các thủ tục liên quan đến các bộ, ngành khác hay Hà Nội, Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ tổng thầu để giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận