Chỉ riêng với dịch vụ GrabCar, tại Nha Trang đã có đến 100 chiếc ô tô hoạt động, khách hàng có thể dễ dàng đặt xe ở bất kỳ vị trí nào |
Grab bành trướng ra nhiều địa phương
Theo Văn bản số 1850 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 24 của Bộ GTVT chỉ chấp thuận cho Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Tuy nhiên, thời gian qua, Grab lại mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương, TP Huế...
Trong vai một hành khách cần đón GrabTaxi từ TP Biên Hòa về TP HCM, trưa 5/6 PV Báo Giao thông đứng trước cổng Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai (cao ốc Sonadezi, đường Lê Văn Duyệt, phường An Bình, TP Biên Hòa). Khi PV mở ứng dụng gọi GrabCar, ngay lập tức trên màn hình điện thoại hiện lên gần 10 ô tô đang đậu trong vòng bán kính 1km. Nhiều nhất là khu vực quanh siêu thị BigC với khoảng 5 chiếc đang đậu quanh ngã tư Vũng Tàu. Sau khi nhấp chọn định vị nơi đến màn hình điện thoại liền hiện lên thông báo giá cước 73.000 đồng (khách phải trả vé qua trạm BOT cầu Đồng Nai là 15.000 đồng, tổng cộng 88.000 đồng) cho đoạn đường từ ngã tư Vũng Tàu về Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên (quận Thủ Đức, TP HCM). Chỉ sau 5 phút một tài xế điều khiển ô tô 4 chỗ đến đón và bắt đầu hành trình.
Trong khi đó, ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, tỉnh chưa cấp phép cho Grab hoạt động trên địa bàn và nếu có chỉ là hoạt động chui. “Quan điểm của Sở GTVT là xử lý nghiêm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Vừa qua, để siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, sở cũng đã chỉ đạo TTGT và có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp hoạt động vận tải và các xe ô tô Grab hoạt động trái quy định”, ông Đông nói.
Tại Khánh Hòa, dù là địa phương trong nhóm thí điểm nhưng Grab chưa được chấp nhận của tỉnh này. Tuy nhiên, mở ứng dụng Grab trên điện thoại thông minh, vị trí đặt tại TP Nha Trang, lập tức ứng dụng hiện lên hàng loạt dịch vụ gọi xe của Grab cho người sử dụng lựa chọn như: GrabTaxi, GrabCar, GrabAirport. Mỗi dịch vụ lại có thêm những tiện ích khác cho người sử dụng như lựa chọn xe 4 chỗ, 7 chỗ. Nhấn vào lựa chọn nào, hàng chục xe xuất hiện, giăng khắp các vị trí trên bản đồ.
Một tài xế chạy GrabCar cho biết, hiện số đầu xe chạy dịch vụ này đã lên đến 100 chiếc. Tất cả các xe khi tham gia đều được Grab lo thủ tục và được đăng ký hoạt động tại một HTX vận tải ở Hà Nội. Lượng xe đông nhưng dịch vụ này đang “ăn nên làm ra”, bởi khách sử dụng dịch vụ Grab tại Nha Trang chủ yếu là khách du lịch.
Tìm hiểu của PV, tại thị trường Khánh Hòa, Grab còn mở thêm dịch vụ GrabAirport với xe đưa đón từ TP Nha Trang - sân bay Cam Ranh (và ngược lại). Lộ trình cho tuyến này khoảng 30km, giá trọn gói 250.000 đồng cho xe 4 chỗ, 300.000 cho xe 7 chỗ. Đây được xem là dịch vụ khá “ăn khách” của Grab bởi hiện giá taxi cho hành trình này lên đến gần 400.000 đồng, trong khi tuyến xe buýt lại chỉ chạy vào giờ cố định.
Sở GTVT Khánh Hòa khẳng định, Grab triển khai GrabCar chui, không đúng quy định. Riêng đối với loại hình GrabTaxi, dù không cấm nhưng Grab lại đang liên kết “chui” với giới tài xế mà không qua các doanh nghiệp, HTX vận tải trên địa bàn.
Tại TP Huế, “điểm hỗ trợ Thừa Thiên - Huế” cùng số điện thoại hotline của Grab tại số 31 đường Hoàng Quốc Việt đã không còn. Trao đổi với PV sáng 5/6, ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài GrabBike (không bị cấm), thời gian gần đây không còn thấy GrabTaxi hay GrabCar hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, ngày 5/6, PV vào ứng dụng Grab tại Huế, GrabTaxi đã ngưng hoạt động nhưng vào GrabCar vẫn thấy có loại xe này “âm thầm” hoạt động ở khu vực gần cầu Trường Tiền.
Địa phương có quyền dừng hoạt động
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đề án thí điểm chỉ áp dụng đối với xe hợp đồng điện tử. Ứng dụng Grab không được phép kết nối trực tiếp với tài xế taxi, trong trường hợp Grab ứng dụng đối với taxi phải được sự đồng ý của Sở GTVT địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Việc thêm ứng dụng vào taxi để kết nối tốt hơn với hành khách thì Bộ GTVT luôn khuyến khích.
“Chính phủ cho phép kéo dài thí điểm đến khi Nghị định 86 được ban hành. Do đó, Grab chỉ được phép hoạt động tại các tỉnh đang thí điểm trong đề án. Nếu Grab triển khai hoạt động ngoài phạm vi các tỉnh được thí điểm là vi phạm đề án thí điểm. Sở GTVT địa phương sau khi thống nhất với Bộ GTVT có quyền “tuýt còi” hoạt động trái phép này”, ông Thủy khẳng định.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Công ty GrabTaxi Việt Nam không được triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trên địa bàn các tỉnh: Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Bộ GTVT cũng yêu cầu GrabTaxi không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT tại địa phương.
Bộ GTVT luôn khuyến khích và ủng hộ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải. Tuy nhiên, kinh doanh vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia đều phải chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ hai năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh, thành phố dừng hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với đơn vị có vi phạm quy định. Do vậy, khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam không mở rộng thí điểm tại các địa phương nằm ngoài những tỉnh, thành được Thủ tướng cho phép. Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT các tỉnh nêu trên chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng Công an tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định.
Liên quan đến việc dịch vụ GrabCar, GrabTaxi vô tư hoạt động trái phép tại nhiều tỉnh nêu trên, PV Báo Giao thông đã liên hệ, gửi câu hỏi qua thư điện tử đến đại diện truyền thông của Công ty TNHH Grab Taxi VN để làm rõ vấn đề này. Thế nhưng, sau nhiều ngày gửi nội dung câu hỏi, PV không nhận được phản hồi từ Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận