Bệnh nhân thăm khám tại BV Nhi T.Ư tăng vọt |
SXH rất nguy hiểm trên cơ địa trẻ nhỏ
Tại BV E, Khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết (SXH). Đáng lưu ý, nhiều trẻ nhập viện muộn, để xảy ra biến chứng uy hiếp tính mạng.
Như trường hợp một bé trai 7 tuổi (ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng nhập viện khi có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sỹ phải điều trị tích cực, chống sốc. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Bệnh nhi được các bác sỹ túc trực theo dõi sát sao 24/24h và phải áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Theo TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, BV E, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Do vậy, cha mẹ không được lơ là, phải theo dõi sát sao trẻ để nhận biết đúng bệnh khi có dấu hiệu tăng nhiệt cơ thể nhằm điều trị kịp thời. “Khi trẻ mắc SXH, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong”, BS. Hiền khuyến cáo.
Theo lưu ý của bác sỹ chuyên khoa Nhi, khi trẻ ốm sốt cao đột ngột trên 38 độ C kèm một trong các dấu hiệu như đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhãn cầu; xuất huyết ngoài da; đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng… hoặc chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen... cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc của bệnh SXH.
Còn tại BV Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay cũng đã tiếp nhận gần 200 ca SXH, con số này tăng mạnh trong 1 tháng gần đây, đa phần là các ca nặng chuyển lên.
Gia tăng bệnh lý hô hấp và tiêu chảy
Khi dịch SXH chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì các bệnh dịch khác lại bùng phát với lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng rất nhanh tại thời điểm này ở nhiều bệnh viện.
Theo BS. Hiền, thời gian gần đây, cùng với SXH, bệnh nhi mắc sốt virus, cúm, tiêu chảy… cũng tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh trên. Hiện nay, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh cấp tính như nhiễm trùng đường hô hấp trên như: Viêm mũi họng, viêm amidan; nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi.
Theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi, BV Bạch Mai, tháng 7, 8 hàng năm thường là cao điểm của bệnh lý hô hấp, sốt virus. Đáng lưu ý, có trẻ vừa điều trị viêm phổi 1 tuần, chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khi khám lại phát hiện viêm tiểu phế quản phổi. Hoặc nhiều trẻ bị viêm phổi, điều trị gần được ra viện lại sốt virus hoặc mắc kèm bệnh viêm đường hô hấp trên… khiến việc điều trị phức tạp, kéo dài. Thống kê từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, tổng số người mắc SXH trên cả nước khoảng 60.000 người, trong đó có 19 người tử vong. So với cùng kỳ 2016, số người mắc SXH tăng trên 12%. Riêng tại Hà Nội số người mắc SXH đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ 2016. |
Ngoài ra, nhiều trẻ nhập viện vì mắc bệnh tiêu hóa như tiêu chảy Rotavirus, rối loạn tiêu hóa. Đáng lưu tâm, các bệnh nhi này lại thường nhập viện muộn, khiến việc điều trị vất vả, khó khăn, thời gian điều trị kéo dài. Nguyên nhân là do gia đình tự điều trị cho trẻ, chỉ không tự hạ nhiệt, con sốt cao, thậm chí co giật, hay không cầm tiêu chảy khiến trẻ suy kiệt, cha mẹ mới cho nhập viện. Điển hình như bệnh nhi 1 tuổi (ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, phân lỏng đi nhiều lần/ngày, mất nước nặng, phải điều trị cấp cứu.
Tình trạng gia tăng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy cũng được ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Riêng tại BV Nhi T.Ư, mỗi ngày thăm khám, điều trị cho gần 3.000 bệnh nhi, trong đó hơn 50% trẻ mắc bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Còn tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, khoảng chục ngày gần đây, số trẻ đến khám tăng đột biến với 500 trẻ/ngày, đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, sốt virus.
Trước tình hình bệnh dịch liên tiếp, theo khuyến cáo của BS. Hiền, cách phòng bệnh tốt nhất đối với những căn bệnh này là tiêm hoặc uống vaccine; hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng, tránh để nhiệt độ điều hòa quá chênh lệch với môi trường và quan trọng giữ gìn môi trường xung quanh cho trẻ an toàn, sạch sẽ; đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Còn theo lưu ý của BS. Dũng, cha mẹ không nên tự ý điều trị bệnh cho trẻ, như việc tự đặt khí dung khi trẻ mắc bệnh hô hấp tại nhà. Bởi nếu không được tiệt trùng máy khí dung tại gia đình có thể sẽ trở thành ổ nhiễm khuẩn càng khiến trẻ bệnh thêm nặng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận