Phối cảnh tượng rùa vàng Hồ Gươm (ảnh lớn) và tác giả ý tưởng (ảnh nhỏ) |
Tác giả của ý tưởng đúc rùa vàng nặng 10 tấn đặt cạnh Hồ Gươm - ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội đã khẳng định như vậy khi trò chuyện với PV Báo Giao thông, trước những tranh cãi khá gay gắt ngay khi ý tưởng này mới được dư luận biết đến rộng rãi.
Thưa ông, ý tưởng đúc tượng rùa vàng để đặt cạnh Hồ Gươm xuất phát từ đâu?
Ý tưởng dựng tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm bắt nguồn từ những truyền thuyết lịch sử như Thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy… Ý tưởng xuất phát từ tình yêu Hà Nội của bản thân tôi cũng như việc mong muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho Hà Nội - trái tim của cả nước! Tôi luôn tâm niệm là mỗi con người chỉ có một lần sống thôi, nếu làm được điều gì tốt, điều gì ý nghĩa thì nên làm. Để đến khi mình không còn sống nữa thì những việc mình làm vẫn đem lại niềm vui, có ích cho mọi người.
Được biết, ông đã đề xuất ý tưởng này từ lâu và chưa được thành phố chấp thuận, vì sao thời điểm này ông lại tiếp tục đề xuất? Ông có tin rằng thành phố sẽ chấp thuận?
Thực ra không phải là thành phố chưa chấp thuận, vừa qua có một số tờ báo nói như vậy là chưa chính xác, vì đã bao giờ tôi gửi đề án lên thành phố để xin phê duyệt đâu?
Ông Tạ Hồng Quân, người đề xuất ý tưởng “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm cho biết, tượng rùa sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5m, cao 3,5m. Ông cũng đề xuất hai phương án đặt tượng rùa vàng là tại chỗ đang đặt đồng hồ hiện nay (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) hoặc đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP Hà Nội. Dự kiến, thời gian thực hiện tượng rùa vàng mất khoảng hai năm. |
Chuyện là từ năm 2011, tôi có ý tưởng này, đầu tiên chưa viết thành văn bản mà mới chỉ nói ra ý tưởng, nhưng ai cũng ủng hộ. Sau đó, tôi viết thành một kế hoạch cho mọi người dễ tưởng tượng, sau khi viết xong kế hoạch tôi lên demo, đi chụp ảnh ở Hồ Gươm rồi về mô phỏng. Tiếp đó, tôi mang mô phỏng ý tưởng đó đến gặp các nhà văn hóa, lịch sử được nhiều người kính trọng, trong đó có GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Lúc tôi đến xin ý kiến cụ, mặc dù cụ đã cao tuổi (GS. Vũ Khiêu năm nay đã 104 tuổi - PV) nhưng cụ vẫn dành thời gian chỉ dạy rất nhiều ý kiến quý báu.
Rồi đến GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, bác Phạm Văn Bài, Cục Di sản Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS. Hà Đình Đức… Tất cả những người như vậy thấy ý tưởng hay nên đã động viên giúp tôi thêm quyết tâm hoàn thiện ý tưởng. Chính vì vậy, tôi đã xây dựng một kế hoạch cụ thể. Hiện, các cơ quan chức năng chưa chính thức có ý kiến bằng văn bản việc chấp thuận hay không chấp thuận, nhưng trước đó khi tôi trình bày, báo cáo ý tưởng thì họ đánh giá đây là một ý tưởng hay. Phải nói rõ là như vậy, chứ chưa bao giờ có ai nói hoặc dùng văn bản thể hiện việc chấp thuận hay không chấp thuận cả.
Ngay khi vừa có thông tin về ý tưởng của ông, đã xuất hiện những ý kiến tranh cãi, chẳng hạn như vì sao lại là rùa, vì nhắc đến rùa là người ta nghĩ ngay đến “chậm như rùa”, đối nghịch với sự phát triển, như rồng hoặc sư tử. Quan điểm của ông thế nào?
Đấy là tư duy tiêu cực, còn người tích cực người ta nhìn vào cái tiến bộ. Ví dụ, rùa không bao giờ đi lùi, dù chậm nhưng rất chắc, rùa là một linh vật cực kì hiền lành, hội tụ đủ đức tính cần mẫn vươn lên, hội tụ đủ tính chất của nghìn năm Thăng Long - Hà Nội: Anh hùng - Hòa bình - Phát triển. Hơn nữa, rùa Hồ Gươm xưa nay luôn được coi là linh vật, kết nối huyền thoại, truyền thuyết, lịch sử với hiện tại.
Vì sao chúng ta không chọn sư tử, bởi sư tử không gần gũi, là loài thú ăn thịt, xa lạ với truyền thống văn hóa và đạo đức Việt Nam. Còn con rồng thì chưa bao giờ có thật, tất nhiên đó cũng là quan điểm cá nhân của tôi.
Nếu ý tưởng được chấp thuận, ai sẽ bỏ tiền ra để thực hiện việc đúc tượng?
Trước hết, phải khẳng định là việc này không hoàn toàn liên quan đến tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, một doanh nghiệp nào đó, hoặc một cá nhân nào đó bỏ tiền ra đúc tượng, dù họ có tiền, cũng không phải là hay. Theo tôi, tốt nhất là việc này nên để mọi người cùng tham gia. Người giàu thì tham gia nhiều, người nghèo tham gia ít. Bởi một việc liên quan đến đại chúng mà một người làm thì không có tính quy tụ lòng dân.
Nếu được thành phố chấp thuận, các bước tiếp theo của công việc này là gì, liệu có đưa ra lấy ý kiến người dân không?
Tôi đã gặp lãnh đạo thành phố và đề xuất nên lấy ý kiến nhân dân, đồng thời đưa lên giới thiệu trên màn hình LED ở bờ Hồ Gươm. Nhưng chưa kịp làm thì báo chí đã thông tin.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại Hồ Gươm cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Tất nhiên việc đúc tượng cần phải tính toán kĩ lưỡng. Thực ra, đây là một ý tưởng đã được đưa ra và được mọi người quan tâm. Theo đó, cần phải lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo khách quan, bởi những việc làm lớn, việc làm tốt chỉ có thể đạt được khi có sự khách quan và đồng thuận. Theo tôi cảm nhận, ý tưởng này nhận được những ý kiến trái chiều rất ít. Tôi cho rằng mọi người ủng hộ là nhiều.
Biểu tượng Khuê Văn Các của Hà Nội đã được Quốc hội đưa vào Luật Thủ đô. Vì thế không thể nói rằng Hà Nội đang thiếu biểu tượng nhận diện. Quan điểm của ông thế nào?
Đúng vậy, đây chỉ là một đề án với mong muốn thêm một biểu tượng văn hoá kiến trúc ở cạnh Hồ Gươm, chứ chưa bao giờ tôi nói đây là biểu tượng của Hà Nội. Nếu công trình văn hóa - kiến trúc ấy đẹp dần theo năm tháng, đi vào lòng người, nó sẽ trở thành tình yêu của mỗi du khách, người dân đối với Hồ Gươm. Chẳng hạn như du khách khắp mọi miền đến Hà Nội, tôi tin chắc họ sẽ rất thích thú khi đến đó và chụp một bức ảnh kỷ niệm với tượng rùa vàng. Việc có thêm một công trình văn hóa ở một nơi như Hồ Gươm, nếu phù hợp, tôi cho là vẫn hay chứ?
Ta có thể nhìn lại những thứ là biểu tượng trên thế giới, ban đầu họ không khẳng định nó là biểu tượng. Nhưng nó hiện diện ở các vị trí quan trọng như thế, tạo nên tình cảm lớn lao, thể hiện cho một thông điệp nào đó thì bỗng dưng trở thành biểu tượng. Và đây nó chỉ là một đề án với mong muốn nó trở thành biểu tượng mà thôi.
Khi đưa ra đề xuất này, có thể ý tưởng đúc tượng rùa vàng gắn với sự tích rùa Hồ Gươm. Nhưng rùa ấy như thế nào, đặt ở đâu, đặt để làm gì, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên xung quanh ra sao, ảnh hưởng đến không gian văn hoá ra sao… thì ông đã tính tới hay chưa?
Thực ra phải đặt vấn đề là nếu đúc tượng rùa đặt ở đó thì nó có làm đẹp Hồ Gươm lên không. Bởi vậy, rất nên mở một cuộc thi kiến trúc điêu khắc thật đẹp, với không gian kiến trúc điêu khắc phù hợp. Còn tôi cũng không khẳng định công trình này sẽ nặng 10 tấn, mà chỉ mong muốn được đúc bằng đồng, lượng dày mỏng sẽ cân nhắc cho phù hợp. Đúc dày thì trọng lượng lớn, còn đúc mỏng thì trọng lượng nhỏ. Tôi cho rằng nếu có đúc tượng rùa thì đúc bằng đồng mạ vàng mà thôi.
Cảm ơn ông!
PGS. Hà Đình Đức: Đặt tượng rùa có ý nghĩa văn hóa và lịch sử Lâu nay chúng ta đều biết đến hình tượng cụ Rùa gắn bó với Hồ Gươm. Trước đây, mỗi khi cụ Rùa xuất hiện là dân đến xem rất đông, nó như một sự kiện gợi nhớ lịch sử đánh thắng giặc ngoại xâm của vua Lê vào thế kỷ XV, như một bài học về lịch sử và được coi là niềm tự hào dân tộc. Nhưng giờ cụ Rùa đã không còn nên ta có thể thay thế bằng một hình tượng cụ Rùa khác. Đặt tượng Rùa này rất có ý nghĩa, về cả văn hóa và lịch sử. Nhưng muốn làm được cái này thì trước hết UBND TP Hà Nội, Bộ VH,TT&DL phải chấp thuận, rồi phải có ý kiến của các nhà văn hoá, nhà khoa học, đồng thuận cao thì mới tiến hành được. Nhiều người nói chúng ta đã có Tháp Rùa ở Hồ Gươm, nhưng tôi cho rằng Tháp Rùa chẳng qua được đặt ở vị trí đắc địa nên người ta quan tâm chứ về mặt kiến trúc - xây dựng thì không có gì độc đáo cả. Vì vậy, bây giờ làm được một tượng rùa đặt ở khuôn viên Hồ Gươm cũng là một cách nhắc nhớ về cụ rùa từng tồn tại ở đây, một biểu tượng gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt này. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận