Tranh cướp lộc tại chùa Hương - Ảnh: Zing.vn |
Tại cuộc họp giao ban chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP với giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành diễn ra sáng 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua.
Không “đối xử vô văn hóa” với các công trình văn hóa
Liên quan đến các vấn đề văn hóa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao cùng lãnh đạo các quận, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc duy tu, bảo dưỡng công trình văn hóa, cũng như việc tổ chức lễ hội những ngày qua. Người đứng đầu chính quyền Hà Nội lấy dẫn chứng về việc chỉnh trang khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà theo đánh giá của Chủ tịch Hà Nội là “đối xử vô văn hóa”.
Chủ tịch Hà Nội nhắc nhở: “Các anh quét một lớp sơn mới, chẳng còn là Hoàng thành Thăng Long cả nghìn năm tuổi mà như công trình xây mới. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đi sơn lại. Các lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao cứ bao biện nhưng không thể đối xử với các công trình văn hóa một cách vô văn hóa như vậy”. Ông Chung dẫn chứng, ở một số nước, việc chỉnh trang thường chỉ dùng nước làm sạch bụi bẩn, rêu phong còn nguyên vẹn. “Chúng ta sơn lại thì chẳng còn giá trị văn hóa gì cả. Tôi đề nghị rút kinh nghiệm”, ông Chung nói yêu cầu phải thực hiện đúng kỹ thuật duy tu, duy trì nhằm đảm bảo giá trị văn hóa nguyên bản của công trình.
Đề cập đến việc tổ chức lễ hội, ông Chung nhắc lại một vài sự việc gây bức xúc dư luận vừa qua và cho rằng, để những hình ảnh phản cảm diễn ra trong các lễ hội có trách nhiệm của cả Sở Văn hóa - Thể thao và các quận, huyện. “Năm tới, chúng ta cần làm việc với Trung tâm Quản lý di tích tại Sóc Sơn hay các sư trụ trì ở Chùa Hương để không thực hiện việc phát lộc gây ra sự tranh cướp như vừa rồi. Việc này đã diễn ra nhiều năm rồi, cần được chấn chỉnh”, người đứng đầu chính quyền Thủ đô nhắc nhở.
Loa phường mỗi năm “ngốn” vài trăm triệu quá tốn kém
Đề cập tới vấn đề nên giữ hay bỏ loa phường, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP Hà Nội đã lấy ý kiến của người dân về hệ thống thông tin cơ sở, trong đó có những mục đánh giá về sự cần thiết của hệ thống loa phường. Tại cuộc họp lần này, ông Chung tiếp tục giao các Sở, ban, ngành sớm đánh giá khách quan, xem xét cơ chế nếu duy trì thì thế nào hoặc chấm dứt: “Hiện nay, việc duy trì hệ thống truyền thanh cơ sở rất tốn kém, một phường một năm phải mấy trăm triệu. Trong khi chất lượng thông tin phát hành rất thấp”.
Sau khi lấy ý kiến người dân, tính đến ngày 6/2, đã có 73% (58.587) ý kiến cho rằng hoạt động của Đài truyền thanh cấp cơ sở là cần thiết, nên duy trì như hiện nay. Trong khi đó, 26% (20.872) ý kiến cho rằng, không cần thiết duy trì hoạt động của loa phường; chỉ có 1% ý kiến góp ý rằng có cần thiết nhưng phải đổi mới. Trong khi đó, ở mục lấy ý kiến về thông tin trên Đài truyền thanh cơ sở có thiết thực không, có đến 88% (3.028) ý kiến cho rằng không thiết thực.
Về việc kiểm tra, quản lý các cơ sở thể dục thể thao trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao kiểm tra hiện trạng tất cả các cơ sở do Sở quản lý để tiến tới bàn giao cho các CLB thể thao. Trước hết là thí điểm bàn giao sân vận động Hàng Đẫy cho CLB Bóng đá Hà Nội quản lý. CLB Bóng đá Hà Nội sẽ lập đề án xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong sân vận động và cải tạo lại sân. Đề án sẽ được Thường trực Thành ủy Hà Nội xem xét, cho ý kiến. “Nên tìm và khuyến khích các CLB thể thao nhận bàn giao để họ duy tu, bảo dưỡng và khai thác các sự kiện thể thao. Còn các anh quản lý, mỗi năm bỏ ra vài trăm tỷ duy tu bảo dưỡng mà chẳng đâu vào đâu, có trung tâm thể thao một năm chỉ tổ chức 1 - 2 sự kiện”, ông Chung nói.
Học sinh gãy xương đùi, yêu cầu thay hiệu trưởng Khi được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu báo cáo về việc một học sinh bị tai nạn gãy xương đùi ngay tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Vụ việc được quận báo cáo là do hiệu trưởng và một cô hiệu phó đi xe taxi vào trường, sau khi xe từ trường đi ra thì va phải học sinh, gây ra tai nạn”. Sau khi nghe báo cáo, ông Chung nhắc nhở: “Đáng lẽ sau khi đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình học sinh lên nói chuyện thì hiệu trưởng lại bưng bít bằng cách từ chối, sau đó còn họp lấy ý kiến xem có phải do cháu tự ngã. Đến tầm hiệu trưởng mà lại cư xử như thế! Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ba lần trực tiếp nhắc tôi về việc này. Theo tôi không nên để các hiệu trưởng có tư cách đạo đức như thế quản lý trường”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận