Xã hội

Hà Nội xóa sổ nhà đất siêu mỏng, siêu méo dưới 15m2

10/05/2018, 05:46

UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo thu hồi, xử lý các công trình nhà đất có diện tích dưới 15m2, không hợp thửa...

1

Chiều sâu ngôi nhà số 26, đường Võ Chí Công có đoạn chỉ dưới 20cm nhưng vẫn được xây dựng gây mất mỹ quan đô thị - Ảnh: Ngọc Ánh

Tuy nhiên, nhiều người vẫn bày tỏ băn khoăn liệu lần này Hà Nội có xóa dứt điểm được tình trạng công trình nhà đất siêu nhỏ, siêu méo gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. 

Nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn “ngập” phố

Chiều 8/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội không khó để nhận ra nhan nhản nhà siêu mỏng, siêu méo. Đơn cử, tại tuyến đường Xã Đàn, trong khoảng chưa đầy 1km xuất hiện hàng chục căn nhà siêu nhỏ tại các vị trí số 141 (Venus Hair Salon), số 290 (Shop Max rẻ),…

Quan sát cho thấy, những ngôi nhà này có mặt tiền rộng chưa đến 2m, diện tích mặt sàn ước chừng chỉ khoảng 15m2. Thậm chí, căn nhà số 109 (Men Coffee) có diện tích chưa đầy 10m2, chỉ kê 3 bộ bàn ghế bán hàng đã chật ních. Hay ngôi nhà số 85 (cửa hàng rau câu dừa xiêm) dù đã bị “cắt gọt” gần hết diện tích trong quá trình làm đường và đang xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn được tận dụng để kinh doanh hàng ăn. Vì lý do diện tích khiêm tốn nên chủ hộ xây chồng cao 5 - 6 tầng để lấy không gian sinh hoạt.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện giá đất trên tuyến đường Võ Chí Công và nhiều tuyến đường khác trong nội thành đều cao ngất ngưởng, lên đến khoảng 200-300 triệu đồng/m2. Với mức giá trên, nếu giải tỏa, thu hồi một căn nhà siêu nhỏ, siêu méo tiền đền bù cũng lên đến hàng tỷ đồng.

Tương tự, dọc tuyến phố Đê La Thành mới cũng tồn tại rất nhiều căn nhà có hình thù “kỳ dị”. Ngay đầu đường là căn nhà 5 tầng tại số 368 (cửa hàng Thảo Trang) có diện tích sàn chưa đầy 10m2. Tại thời điểm ghi nhận, PV chứng kiến chủ quán nằm trên sàn phải co người để chân không thò ra cửa chính.

Đáng chú ý, ngôi nhà siêu nhỏ có mặt tiền rộng chưa đầy 1m, lọt thỏm giữa 2 cửa hàng số 52 và 52P, Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm) cũng đang gây xôn xao và thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Theo một nhân viên bảo vệ làm việc gần đó, phần đất của ngôi nhà mới xây trước là con ngõ nhỏ đi vào nhà chủ hộ, song cách đây khoảng 5-6 tháng nó đã được xây lên. “Chủ hộ có căn nhà rất rộng phía sau, còn căn hộ mini này chỉ để cho thuê”, nhân viên này cho biết.

nha sieu mong2

Nhà số 256 đường Võ Chí Công cũng được xây dựng với kiến trúc khang trang, kiên cố.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã tìm gặp chủ nhà có tên Hùng trước ngôi nhà 5 tầng rộng rãi, khang trang tại số 60 phố Thợ Nhuộm (áp lưng với căn nhà siêu nhỏ). Tuy nhiên, ngay sau khi nghe đề cập đến “ngôi nhà tí hon” mới được xây, người này đã thẳng thừng từ chối và quay đi như không hề biết chuyện gì.

Di chuyển qua đường Võ Chí Công - con đường vốn được coi là “thủ phủ” của nhà siêu méo, siêu mỏng, PV ghi nhận rất nhiều căn nhà xiêu vẹo đang mọc lên với kiến trúc kiên cố tại số 11, 256 - 258,...

Đặc biệt, phải kể đến ngôi nhà số 75 với kiến trúc tam giác siêu mỏng hay căn nhà số 29 chỉ tựa một bức tường bao trong khuôn viên các khu chung cư hiện đại. Chủ ngôi nhà số 11 đường Võ Chí Công cho biết: “Đất ở đây dân có sổ đỏ, xây dựng công khai, đàng hoàng nên các cơ quan chức năng muốn thu hồi hay xử lý cũng cần đưa ra phương án thuận tình, hợp lý để các bên có sự đồng thuận nhất định”.

2
Nhà siêu méo trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Lê Tươi

Phải làm từ khi lập quy hoạch

UBND TP Hà Nội mới đây ban hành Văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005. Theo đó, trong năm 2018, các công trình nhà đất có diện tích dưới 15m2, không hợp thửa sẽ bị thu hồi, xử lý để phục vụ mục đích công cộng. UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương lập hồ sơ thu hồi, phục vụ mục đích công cộng và nhanh chóng có biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc thu hồi nhà siêu méo, siêu mỏng Hà Nội ban hành nhiều lần nhưng đến nay các sở, ngành vẫn chưa thu hồi dứt điểm, khiến những ngôi nhà này càng được đà mọc lên dày hơn. Hầu như phố nào cũng có các căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Cách làm của Hà Nội còn chưa dứt khoát, chưa rõ ràng, cụ thể, khiến nhiều người lo ngại có lợi ích cá nhân nên mới để người dân mới xây nhà siêu nhỏ.

nha sieu mong1

Căn nhà số 15 phố Khâm Thiên không chỉ có diện tích siêu nhỏ mà còn đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng.

 TS. Thủy cũng cho rằng, ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng. Khi làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, vừa méo nên người dân muốn bán cũng không dễ.

“Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường mới tránh được những nhà siêu mỏng, siêu méo”, TS. Thủy nói và cho rằng, giờ xây lên những ngôi nhà kỳ dị người dân cũng phải bỏ không ít tiền nên “cái giá” do quy hoạch sai, không nhìn trước đang quá đắt.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN cho rằng, để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo không chỉ là vấn đề nguồn vốn, mà mấu chốt phải làm ngay từ khâu quy hoạch. Thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp, khi dự án đã hoàn thiện, từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành, từ đó trao đổi với người dân để có phương án thỏa thuận đền bù hợp lý.

“Trong trường hợp người dân không thỏa thuận được, Nhà nước phải đứng ra can thiệp, bởi sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên việc hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài”, TS. Nghiêm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.