Quy hoạch hai bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng |
Đề xuất xây dựng một hầm đường bộ qua sông Hàn, nhằm giải quyết bài toán giao thông sau năm 2020, đồng thời thỏa mãn được các tiêu chí của khu vực trung tâm thành phố du lịch lớn, hiện được lãnh đạo Đà Nẵng ủng hộ tuyệt đối.
Làm hầm không phải để được nổi tiếng!
Mới đây, tại cuộc họp của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều 27/12, phương án đầu tư xây dựng một công trình hầm đường bộ qua sông Hàn nối thẳng từ đường Đống Đa (quận Hải Châu) với đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) đã được thống nhất 100%. Thường vụ Thành ủy sẽ có Nghị quyết chỉ đạo về vấn đề này.
Như vậy, Đà Nẵng đã quyết định đầu tư một công trình hầm đường bộ qua sông Hàn tại vị trí trung tâm thành phố để kết nối khu vực trung tâm TP có mật độ dân cư đông đúc nhất, phát triển nhất và là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, thương mại, du lịch của thành phố lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên với bờ Đông sông Hàn là khu vực phát triển các dịch vụ du lịch.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 21/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, dự án công trình giao thông qua sông Hàn này đã đặt lên bàn của lãnh đạo TP suốt hơn một năm qua và đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng kể từ tháng 10/2015. Ngay cả Ban Thường vụ Thành ủy tới nay đã dành đến ba phiên họp bàn việc nên làm cầu hay hầm qua sông. Mọi cân nhắc, quyết định trên tinh thần vì sự phát triển, vì tương lai của TP. “Với một đô thị đang có tốc độ phát triển rất nhanh như Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực du lịch dịch vụ thì tầm nhìn giao thông phải đi trước một bước là điều hoàn toàn tất yếu”.
Chủ tịch TP Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ ngay từ đầu cũng cho rằng, việc xây dựng thêm một công trình giao thông vượt sông Hàn trong một vài năm tới là chắc chắn phải làm. Hiện, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Đà Nẵng tăng rất cao - gần 30%/năm, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng rất cao. Mỗi ngày, thành phố ký cấp giấy phép xây dựng 3 – 4 cao ốc, phần lớn là khách sạn và căn hộ cao cấp. “Không có chuyện làm hầm để được nổi tiếng mà đây là phương án có tính khả thi cao hơn làm cầu”, ông Thơ khẳng định.
Vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng ông Lê Văn Trung cho biết, từ năm 2015, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở GTVT tham mưu làm công trình vượt sông Hàn. Phương án hầm thẳng nối từ cuối đường Đống Đa với đường Vân Đồn có nhiều thuận lợi về tổ chức giao thông, phù hợp quy hoạch thành phố. Việc di dời ga đường sắt cũ, sẽ kết nối với công trình vượt sông Hàn này, hình thành trục giao thông mới từ Tây sang Đông và giúp phát triển hệ thống vận tải công cộng trong tương lai.
Tốt nhất cho trung tâm Đà Nẵng
Đơn vị tư vấn thiết kế duy nhất thuyết phục Đà Nẵng phương án làm hầm qua sông Hàn là Công ty CP TVTK Cầu lớn - Hầm (BRITEC), đơn vị Anh hùng Lao động, tư vấn đầu ngành, tham gia tư vấn các công trình hầm Hải Vân, Đèo Cả, Đèo Ngang... nói rõ về vấn đề này cho biết: Làm hầm qua sông Hàn là giải pháp có tính khả thi, có thể đáp ứng được hầu như toàn bộ các tiêu chí của thành phố đặt ra cho công trình vượt sông tại khu vực này.
Việc xây dựng một công trình vượt sông tại đây sẽ san sẻ bớt lưu lượng giao thông cho cầu Sông Hàn và trục đường Lê Duẩn, vốn đang là trục giao thông có lưu lượng lớn nhất trung tâm (trên 40 nghìn lượt xe con quy đổi/ngày đêm) hiện đã gần như mãn tải. Sau khi công trình đưa vào khai thác, dự báo đến năm 2025 lưu lượng trục Lê Duẩn - cầu Sông Hàn là gần 37 nghìn xe con quy đổi/ngày đêm - là lưu lượng chấp nhận được của khu trung tâm; thúc đẩy phát triển không gian đô thị và du lịch khu vực Sơn Trà.
Cùng với đó, làm hầm vượt sông sẽ giúp giữ lại toàn bộ cảnh quan khu vực trung tâm này của thành phố. Đoạn sông qua đây dài 2,6km tính từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước, là khu vực diễn ra hầu hết các hoạt động quan trọng của thành phố du lịch, từ đua thuyền, bắn pháo hoa, diễu hành... Nếu xây dựng tại đây một cây cầu lớn, sẽ che chắn mất tầm nhìn và chia cắt bờ sông Hàn là nơi có quy hoạch các bến cho thuyền du lịch...
Công trình hầm qua sông Hàn có chiều dài dự kiến 1,4km, trong đó hầm kín khoảng 1,0km, hầm hở hai đầu mỗi phía 0,2km; với độ dốc dọc hầm kín 2%, hầm hở 4% đảm bảo theo quy chuẩn; tổng mức đầu tư 4.700 tỉ đồng; thời gian thi công 36 tháng. Nếu bước chuẩn bị thuận lợi, công trình dự kiến có thể khởi công đầu năm 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận