Quê thiếu việc làm, thời tiết gay gắt, hạn mặn triền miên khiến vợ chồng anh Triệu Tiêu bỏ lại 4 đứa con cho ông bà ở ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng để đi làm ăn xa. Ảnh: Gia Minh |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua kỳ hạn hán xâm nhập mặn nặng nề nhất trong lịch sử gần 90 năm trở lại đây. Hàng trăm nghìn ha đất canh tác bị đe dọa, hàng trăm ha bị hoang hóa không thể sản xuất... Người dân đành bỏ đất, bỏ làng lên các thành phố phía Nam để mưu sinh vô hình trung tạo thêm gánh nặng và hàng loạt hệ lụy xã hội cho các thành phố này.
Nắng gay gắt triền miên trong cơn đại hạn khiến những vạt ruộng, những cánh đồng trở nên hoang tàn, mùa màng thất bát, người dân lũ lượt rủ nhau rời bỏ xóm làng lên thành phố “tha phương cầu thực”.
Bảy Núi hiu quạnh
Hiện một vùng Bảy Núi rộng bao la, bát ngát thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang tính sơ sơ cũng có đến hàng nghìn ha đất trồng hoa màu của bà con nông dân đang bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới tiêu. Vì thế, cuộc sống của người dân nơi đây cũng trở nên vất vả hơn nhiều so với mọi năm.
Trước đây, trên vùng đất này đâu đâu cũng thấy thanh niên trai tráng hồ hởi bên những mảnh ruộng xanh mướt. Bây giờ là một cảnh tượng đìu hiu, khắp nơi đồng khô cỏ cháy. Bên vạt ruộng đậu xanh gần 2.000m2 đang trong giai đoạn thu hoạch, bà Nèang Sa Rom (58 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên) rầu rĩ bởi cả khu vực bị hạn hán kéo dài khiến đậu không ra nổi trái.
“Chi phí gia đình tôi bỏ ra để trồng đậu là gần 2 triệu đồng, nhưng đến giờ này chỉ mới thu hoạch lại được vỏn vẹn có 500 nghìn đồng tiền vốn. Nhiều năm trước, cũng trồng đậu, trồng bắp nhưng trời có mưa nên có tiền tiêu, còn bây giờ xem như cầm chắc lỗ. Bám quê làm ăn không nổi, bọn trẻ nhà tôi đành phải tha hương kiếm sống hết rồi”, bà Rom tâm sự.
Còn ông Kim Seng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn), cho biết, do hạn hán gay gắt, triền miên mà trên 2.000ha đất ruộng giờ như muốn thành hoang mạc, vắng không một bóng người. Vài nơi còn canh tác cũng không có nước tưới tiêu, hoa màu dần khô héo vì nắng gắt. Cuộc sống của bà con ngày một khó khăn. Do đó, nhiều người đang trong độ tuổi lao động đành rủ nhau đi nơi khác kiếm sống.
Bà Néang Sâm Bô, Trưởng phòng dân tộc huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, đến thời điểm này, huyện có trên 9.500 lao động là người Khmer chấp nhận tha hương đến các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM... kiếm sống. Trong số này do địa phương thiếu việc làm cũng có, do cuộc sống khó khăn vì ảnh hưởng bởi hạn hán cũng có. Hộ gia đình gặp khó khăn do hạn hán gây ra rất cao, bởi hiện tại bà con chưa sản xuất gì được.
Tôm cá cũng “phụ lòng” người xứ biển
Còn tại huyện An Biên (Kiên Giang), nơi mà 2.778ha diện tích nuôi trồng thủy sản của hàng nghìn hộ dân đang chịu thiệt hại bởi tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài. Trong đó, hơn 2.000 hộ dân hai xã Nam Thái và Nam Thái A bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Ông Hứa Trần Hoàng (51 tuổi, ngụ ấp 7 Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) than thở: “Những năm trước, người dân nơi này nuôi trồng thủy sản một mùa, làm lúa một mùa cũng cho thu nhập khá ổn định. Nhưng 2 năm trở lại đây, hạn hán kéo dài, cộng thêm với tình trạng xâm mặn nên nuôi con gì cũng lớn không nổi, trồng lúa cũng không xong. Sản lượng giảm sút đến 80% vì thiếu nước, từ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng giờ chỉ còn vài chục triệu. Chỉ đủ trang trải tiền vốn! Làm ăn khó, tiền không rủng rỉnh như xưa, tụi nhỏ nghe bạn bè rủ nhau đi làm công nhân ở Bình Dương mỗi tháng thu nhập 5-7 triệu đồng nên kéo nhau đi làm vài tháng nay rồi”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Trung, cán bộ Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “ Trước thông tin người dân bỏ đất canh tác vì hạn mặn, Ban Chỉ đạo đã lập một tổ công tác khảo sát tình trạng người dân đang trong độ tuổi lao động rời quê đi tha phương kiếm sống ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Dự kiến, trong tuần này sẽ có kết quả điều tra”. |
Ông Phan Duy Thanh, Chủ tịch UBND xã Nam Thái A cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có hơn 1.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con bị ảnh hưởng bởi cơn đại hạn. Do nắng nóng và xâm nhập mặn bà con nuôi sò, tôm… không lớn nổi, một phần do vật nuôi bị chết. Còn tới mùa gieo sạ lúa, 4 ấp trong xã cũng đành phải bỏ ruộng vì không có nước ngọt rửa mặn cho đất. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi hạn hán mà trong xã đã có gần 1.600 nhân khẩu phải rời quê lên thành phố tìm việc”.
Xóm làng giờ chỉ còn người già, trẻ nhỏ
Ngược về vùng biển Sóc Trăng, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ “di tản” đi nơi khác. Đa số những hộ gia đình ở đây chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi ghé nhà ông Huỳnh Ưng (74 tuổi, ngụ ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, TX Vĩnh Châu), ông Ưng kể, gia đình có 3 người con, 2 người con gái đã lấy chồng. Người con trai út lập gia đình nhưng rồi cũng chán với cảnh nhà thiếu trước, hụt sau, đành dắt díu vợ con lên thành phố làm ăn, mỗi tháng gửi về cho ông bà được 1,5 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi ra sau vườn, chỉ tay vào cái ao khô nứt nẻ, ông Ưng nói, lúc trước cái ao này nước ngập đầu, cá tép ăn không hết. Mấy năm nay, hạn hán kéo dài, mọi thứ chết sạch. “Nuôi tôm bị chết liên tục, không còn vốn để cải tạo thả tiếp nữa, trồng mớ bồn bồn kiếm sống thì không có nước tưới do nước sông nhiễm mặn. Phải hà tiện lắm vợ chồng tôi mới trang trải được cuộc sống”, ông Ưng tâm sự.
Cách đó không xa là hộ ông Triệu Câm (84 tuổi), có con trai duy nhất là liệt sĩ Triệu Đênh hy sinh ở chiến trường Campuchia. Con trai mất, đôi vợ chồng già chỉ còn mỗi đứa cháu nội Triệu Tiêu là thanh niên trai tráng trong nhà. Ấy vậy mà anh Tiêu cũng đã bỏ nhà đi làm ăn xa.
Ông Câm chua chát nói: “Thời tiết khắc nghiệt quá! Tôm nuôi ở đây bị chết hàng loạt. Thấy tôm chết lại thả, thả rồi chết tiếp, riết rồi sạch vốn. Đất vườn cằn cỗi, trồng rau không tốt, nước lại mặn, thằng Tiêu nó buồn lắm! Nó xin tôi cho đi thành phố làm kiếm tiền để gửi về lo cho gia đình. Vậy là tụi nó bỏ lại 3 đứa cháu cho tôi rồi vợ chồng nó đi 4-5 tháng nay rồi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận