Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung có thể lên bàn ăn của nhiều gia đình nếu không được xử lý kịp thời. (Ảnh: Thủy Phan) |
Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin rằng có trên 40 tấn tôm cá các loại chết ở vùng biển thuộc các tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi lẽ, tôm cá có thể chết chìm dưới biển và không thể thống kê chính xác.
Một câu hỏi đặt ra trong vụ việc này là số hải sản trên 40 tấn bị chết kia sẽ được quản lý, xử lý như thế nào? Chúng có thể lên bàn ăn hay bàn nhậu vì sự thiếu hiểu biết hay ý thức của người dân hay không?
Trao đổi với Lao động, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho hay những ngày đầu cá chết người dân không biết nên đã lấy về ăn. Sau khi được khuyến cáo, tình trạng nạn đã giảm.
Ngoài ra, Sở này cũng phối hợp với chính quyền địa phương và người dân thu gom cá chết và tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột vào các hố chôn.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, cơ quan chức năng tỉnh này cũng phải thường xuyên kiểm tra nhằm tránh tình trạng đào trộm cá chết mang đi tiêu thụ. Cùng với Sở, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) cũng đang tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán cá chết.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội đã chuyển việc ăn hải sản sang thịt vì lo ngại ăn phải cá chết ở các vùng biển miền Trung.
Nhiều tiểu thương cho hay, việc phân biệt cá chết rất khó vì đã được xử lý qua và đóng hộp đông lạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận