Nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cảng biển còn rất lớn |
370 triệu tấn hàng thông qua các cảng biển năm 2014
Năm 2014, thống kê cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển VN ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng công-ten-nơ đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN (HHVN) Nguyễn Nhật, lượng hàng thông qua Nhóm cảng biển số 1 tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn, tăng 13 (chiếm 33% của cả nước). Nhóm cảng biển số 5 đạt 162 triệu tấn, tăng 14% (chiếm 44%). Sản lượng công-ten-nơ khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs, tăng 20,3%. khu vực TP Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs, tăng 14,8%. Một trong những khu vực có lượng hàng tăng trưởng cao nhất là Hà Tĩnh, đạt 4,09 triệu tấn, tăng 33%.
Sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2015 theo quy hoạch được duyệt tại là 410 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng năm 2014 đã đạt 90% so với quy hoạch.
Đối với các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, sau thời gian triển khai đề án nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển nhóm 5 đã có chuyển biến tích cực, lượng hàng hóa thông qua khu vực Vũng Tàu năm 2014 đạt 59,3 triệu tấn, tăng hơn 20% so với năm 2013, trong đó riêng hàng công-ten-nơ đạt 1,15 triệu TEUs, tăng 27,0%.
Trong năm qua, Cục HHVN tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai giám sát giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ công-ten-nơ khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Với sản lượng 1,15 triệu TEUs thông qua năm 2014, ước tính doanh thu của các cảng công-ten-nơ tại Cái Mép – Thị Vải tăng thêm do áp dụng chính sách giá tối thiểu đạt khoảng 18 triệu USD, tương đương khoảng 380 tỷ đồng.
Năm 2015, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển phấn đấu đạt 407 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2014, trong đó hàng công-ten-nơ dự kiến tăng 13% đạt 11,5 triệu TEU. Các chỉ tiêu khác trong khai thác cảng biển phấn đấu tăng hơn so với năm 2014.
4 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT |
Vận tải tăng trưởng nhẹ
Năm 2014, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển VN thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km) tăng trưởng nhẹ ở mức 0,13% so với năm 2013 Hoạt động kinh doanh vận tải biển VN vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Đội tàu biển trong nước đảm nhận gần như 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, song mới chỉ đảm đương khoảng 10-12% thị phần vận tải hàng hoá của VN xuất, nhập khẩu qua đường biển. Các tàu biển VN chủ yếu mới chỉ hoạt động trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Điểm sáng của vận tải biển là tàu vận tải công-ten-nơ, trong hơn 1 năm qua, số lượng tàu công-ten-nơ VN vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu.
Tuy vậy, vận tải biển nội địa vẫn đang đối mặt với khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc – Nam, chiều từ Bắc vào Nam chỉ đạt khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc. Tỷ lệ thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện nay trong tổng sản lượng vận tải của các phương thức vận tải mới đạt gần 19%, vận chuyển hành khách gần như không đáng kể. Tỷ trọng này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vận tải biển.
9 đơn vị nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục Hàng hải VN |
Hàng hải phải đổi mới, quyết liệt hơn nữa
Bộ trưởng tới dự và phát biểu trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Cục HHVN đã đánh giá cao những nỗ lực của Cục HHVN, trong một năm nhiều khó khăn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công của toàn Ngành.
Song, nhiệm vụ “đi trước một bước” làm nền tảng cho việc hoàn thành kế hoạch năm 2015 và giai đoạn 2015-2020 là thách thức lớn với ngành GTVT nói chung và với hàng hải nói riêng. Theo Bộ trưởng, cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng lớn nhất cả nước, song sản lượng chưa được 20% công suất thiết kế, dù đã có tăng so với năm trước. Chở khách mới chiếm 0,01% tổng thị trường, hàng hóa mới đc 19%, chiếm thị phần rất nhỏ trong khi ta có hơn 3.000km bờ biển.
“Thủ tục xuất bến của tàu biển tôi yêu cầu bỏ. Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về kỹ thuật tầu. Luồng tuyến có quy định, song bất hợp lý, tăng chi phí, người dân có thực hiện đâu. Tại sao tàu cá nhỏ thế ngư dân đi ra tận Trường Sa, mà mình quy định tàu vận tải lớn vậy chỉ được đi ven bờ không quá 20 hải lý”?, Bộ trưởng đặt câu hỏi và yêu cầu sớm có lời giải đáp.
“Muốn cải cách phải bắt đầu từ tư duy. Ùn tắc chính là từ trong đầu. Phải đặt địa vị minh là dân, là doanh nghiệp để làm cơ chế chính sách. Bác Hồ đã nói cái gì có lợi cho dân, dù hết sức nhỏ cũng phải cố gắng làm bằng được, cái gì có hại cho dân, dù nhỏ đến đâu cũng phải hết sức tránh. Tôi cho rằng, trong quản lý, điều hành, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, theo hướng như vậy là quyết, rất thanh thản. Chúng ta là quốc gia biển, phải làm giàu từ biển. Do đó không có cách nào khác, phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn nữa”, Bộ trưởng vừa chỉ đạo vừa chia sẻ với các đại biểu tham dự hội nghị.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận