Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Cục Hàng không VN và các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không |
Tránh tình trạng doanh nghiệp “rút ruột" nhân lực lẫn nhau
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo nhiều vấn đề nóng liên quan đến hạ tầng, vận tải, điều hành bay cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không... “Chúng ta đã xây dựng được Bộ Luật Hàng không sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên, còn hệ thống VBQPPL dưới luật như Nghị định, Thông tư... cũng phải chú ý xây dựng kịp thời, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tinh thần là văn bản khi đưa ra không làm khó người thực hiện hay nói cách khác là để cho đối tượng thực hiện dễ triển khai, thực thi”, Bộ trưởng nói.
Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại quy hoạch hàng không sao cho phù hợp với tốc độ phát triển, phù hợp với định hướng, cơ cấu các phương thức vận tải. “Vừa rồi hàng không tăng trưởng rất nóng. Đáng lẽ quản lý nhà nước phải chuẩn bị trước, lường trước được điều này. Nhưng khi tốc độ phát triển vượt hết các dự báo trong quy hoạch, chúng ta lại có xu hướng coi đó như thành tích”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Liên quan đến vấn đề nhân lực hàng không, Bộ trưởng nhấn mạnh, với tốc độ phát triển như hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Do đó, vấn đề đào tạo nhân lực hàng không cũng cần phải được đặc biệt quan tâm. “Theo tôi, về đào tạo, quan trọng nhất phải từ đặt hàng của các đơn vị. Thậm chí, các đơn vị trong ngành tuyển chọn sau đó đưa về trường đào tạo”, Bộ trưởng gợi ý.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng lưu ý các hãng hàng không cần chủ động nguồn nhân lực trong quá trình phát triển, tránh tình trạng DN này “rút ruột" nhân lực của DN khác.
Bộ trưởng lưu ý Tổng công ty Quản lý bay VN cần tiếp tục quan tâm chế độ lương, thưởng của đội ngũ Kiểm soát viên không lưu |
Dành sự quan tâm lớn tới chất lượng đội ngũ kiểm soát viên không lưu – bộ phận mà theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là giữ vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn hàng không, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải xem xét, đề xuất các cơ chế lương xứng đáng. “Phải xem xét lại lương cho bộ phận này đã đủ để cho họ có thể toàn tâm cho công việc chưa? Chỉ một sơ sảy ở khâu này có thể để lại hậu quả khôn lường”, Bộ trưởng nói.
Cuối cùng, khi chỉ đạo về vấn đề hạ tầng, một vấn đề nóng trong lĩnh vực hàng không hiện nay, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị trong điều kiện hạ tầng của ta còn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cảng hàng không đối mặt với tình trạng quá tải, chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều, các đơn vị phải nỗ lực tối đa giảm những phiền toái không đáng có cho khách hàng.
Công suất 21 CHK chưa bằng một sân bay lớn trong khu vực
Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, cả nước hiện đang khai thác 21 cảng hàng không (CHK), trong đó có 9 CHK quốc tế.
Cho biết tổng công suất thiết kế của tất cả 21 CHK toàn quốc hiện tại mới đạt 72,15 triệu hành khách/năm, chưa bằng một sân bay lớn trong khu vực, ông Thanh cũng thừa nhận một số CHK hiện tắc nghẽn, sản lượng thông qua vượt công suất thiết kế 2016 như Tân Sơn Nhất 31/25 triệu hành khách; Đà Nẵng 7,5 triệu/4 triệu hành khách; Cam Ranh 4,5/2 triệu hành khách. Ngoài các cảng nói trên, trong vòng 3 năm tới, nhà ga hành khách Nội Bài, Cát Bi cũng tiếp tục có nguy cơ tắc nghẽn.
Về phát triển đội tàu bay, ông Thanh cho biết, các hãng hàng không Việt Nam tính đến tháng 5/2016 gồm 136 chiếc với tuổi trung bình: 5,5 tuổi. Số tàu sở hữu là 50 tàu, đạt tỷ lệ 36,7%.
Phía Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng hành khách qua 21 CHK, sân bay trên cả nước đạt hơn 32,1 triệu khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 42,4% so với kế hoạch năm. Trong số này, khách quốc tế đạt hơn 9,5 triệu, tăng 23% so với cùng kỳ, khách trong nước đạt hơn 22,5 triệu, tăng 35% so với cùng kỳ.
Liên quan đến hoạt động điều hành bay, Chủ tịch TCT Quản lý bay VN Đinh Việt Thắng cho biết, 5 tháng đầu năm, TCT đã điều hành an toàn hơn 297,9 nghìn chuyến, tăng 15,5% so với thực hiện cùng kỳ năm 2015.
“Ngay từ đầu năm, TCT đã tổ chức lại vùng trời trách nhiệm Trung tâm kiểm soát đường dài HCM, điều chỉnh lại tổ chức vùng trời và tổ chức cung cấp dịch vụ để nâng cao năng lực điều hành bay tại khu vực sân bay Đà Nẵng; Thường xuyên rà soát cải tiến các phương thức nâng cao năng lực điều hành bay đáp ứng nhu cầu hoạt động tại các sân bay chính, từ 25 chuyến/giờ lên 35 chuyến/giờ tại Nội Bài, từ 29 lên 42 chuyến/giờ, sẵn sàng 45 chuyến/giờ tại Tân Sơn Nhất”, ông Thắng cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận