Thế giới giao thông

Hàng loạt hãng hàng không dừng bay đến Venezuela

01/06/2016, 14:13

Các hãng hàng không bắt đầu từ bỏ thị trường Venezuela vì nước này đang lún sâu vào khủng hoảng.

viec
Việc di chuyển bằng đường hàng không tại Venezuela giờ đây khó khăn hơn bao giờ hết

3 tháng không mua được vé máy bay

Ngày 29/5, Lufthansa - Hãng hàng không lớn nhất châu Âu thông báo, bắt đầu từ ngày 17/6, hãng này sẽ dừng các chuyến bay tới Venezuela vô thời hạn. Ngay sau thông báo của Lufthansa, ngày 30/5, Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh - LATAM cũng cho biết, sẽ ngừng các chuyến bay của hãng tới Venezuela và chưa cho biết khi nào sẽ nối lại các đường bay.

Trước đó, Hãng hàng không Air Canada ngừng các chuyến bay tới Venezuela cho đến khi tình hình đụng độ giữa người ủng hộ chống Chính phủ và các lực lượng an ninh về tội phạm và vi phạm nhân quyền, thiếu hụt thực phẩm được cải thiện.

Trong thông báo, Air Canada cho biết, họ không còn đủ khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động tại Venezuela. Ngoài ra, các chuyến bay giữa Venezuela và nước láng giềng Colombia - tuyến bay thường xuyên phục vụ các doanh nhân trong khu vực cũng bị cắt giảm 70%. Avianca, Hãng hàng không lớn thứ ba tại Venezuela cũng giảm số chuyến bay từ Thủ đô Bogota (Colombia) đến Caracas (Venezuela) từ 3 chuyến/ngày xuống còn 1 chuyến/ngày. Một số hãng hàng không quốc tế khác như: American Airlines (Mỹ) và Alitalia (Italy) cũng chấm dứt hoạt động tại Venezula.

Tình hình này khiến cuộc sống của người dân Venezuela thêm phần khó khăn. Bà Gladys Varela, (59 tuổi) phải mất hơn 3 tháng chật vật mua vé máy bay tại hơn 10 công ty và hãng hàng không để về với con gái sống tại Mexico. Tuy nhiên, câu trả lời bà nhận lại vẫn là không có vé.

“Một đi cấm kỳ trở lại”

Bà Andreas Bartles, người phát ngôn của Hãng hàng không Lufthansa cho biết, sở dĩ hãng này phải dừng bay do giá dầu giảm, lạm phát cao dẫn đến khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng và gặp khó trong việc đổi từ tiền Venezuela (đồng bolivar) sang dollar Mỹ (USD). Ngoài ra, việc Venezuela kiểm soát gắt gao trao đổi ngoại hối nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Kể từ năm 2014, tiền bán vé máy bay bằng đồng bolivar không thể đổi sang đồng USD do chính sách kiểm soát này.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy giá thực phẩm tại “đất nước của hoa hậu” lên cao chót vót, thiếu hụt thuốc men và thất nghiệp tràn lan. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tại Venezuela có thể lên tới 21% trong năm 2017, đồng thời lạm phát tại Venezuela có thể chạm mốc 500% trong năm 2016.

Không riêng Lufthansa, các hãng hàng không cắt/giảm dịch vụ tại Venezuela đều đổ lỗi cho chính sách giao dịch tiền tệ của Tổng thống Nicolas Maduro. Tại Venezuela, Chính phủ đóng vai trò trung gian trong tất cả các thỏa thuận kinh doanh nước ngoài. Như vậy, hành khách sẽ mua vé bằng đồng bolivar. Các hãng hàng không sẽ đổi từ đồng bolivar sang USD khi có sự đồng thuận từ cơ quan chức năng là Ủy ban Quản trị Hối đoái tiền tệ.

Từ năm 2012, cơ quan này trì hoãn việc cấp phép đổi tiền khiến lợi nhuận của các hãng hàng không bị đóng băng. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết, chính quyền Tổng thống Maduro nợ các hãng hàng không quốc tế tổng cộng 3,7 tỷ USD tiền lợi nhuận vé.

Đầu năm 2016, American Airlines - Tập đoàn Hàng không lớn nhất thế giới đã xóa nợ 592 tỷ USD - số tiền đang bị tắc nghẽn tại Venezuela do khủng hoảng tiền tệ vì “liên tục không được hoàn tiền và tình hình khủng hoảng kinh tế trầm trọng".

Giám đốc IATA Tony Tyler từng chỉ trích: “Không thể chấp nhận việc Chính phủ Venezuela không chơi theo luật mà họ đã cam kết trong các hiệp định về hàng không quốc tế. Các hãng hàng không không thể duy trì hoạt động khi họ không được Chính phủ trả tiền”. IATA từng tổ chức đàm phán với Chính phủ Venezuela trong nhiều tháng để giải quyết vấn đề nhưng “không thành công”. Thậm chí, Tổng thống Venezuela từng dằn mặt các hãng hàng không rút khỏi Venezuela rằng: “Bất cứ hãng hàng không nào rời khỏi đây thì đừng mong quay lại khi Chính phủ của tôi còn nắm quyền lực. Nếu muốn, họ phải lật đổ được chúng tôi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.