Lực lượng Chính phủ Iraq vây hãm TP Mosul |
Iraq chính thức phát động tổng tấn công nhằm giành lại kiểm soát TP Mosul ở miền Bắc từ Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Nếu chiến dịch tái chiếm Mosul thành công, lraq có thể thu hồi một nửa diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này. Tuy nhiên, chiến dịch cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước.
Nguy cơ thảm họa nhân đạo
LHQ cảnh báo cuộc tổng tấn công giành lại Mosul từ ngày 17/10 có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Hiện, có tới 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Do đó, các nhu cầu thiết yếu như lương thực, nước uống, quần áo và nơi trú ẩn sẽ rất lớn. Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Iraq Lise Grande nêu rõ các tổ chức nhân đạo đang khẩn trương hỗ trợ người dân nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, trong kịch bản xấu nhất, LHQ dự kiến một hoạt động cứu trợ nhân đạo quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới trong năm 2016.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cũng ước tính khoảng 100.000 người Iraq sẽ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tránh các cuộc giao tranh tại Mosul. Cơ quan này cho biết, sẽ xin thêm 61 triệu USD để cung cấp lều trại, bếp và dụng cụ mùa đông cho những người tị nạn tại Iraq cũng như tại hai nước láng giềng là Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, chiến dịch quân sự ở Mosul còn mang lại một nguy cơ khác - hàng nghìn tay súng IS tháo chạy sang các khu vực khác, trong đó có cả Đông Nam Á và châu Âu. Hôm qua, trả lời tờ Die Welt (Đức), ông Julian King, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề an ninh cho biết, việc giành lại Mosul từ tay IS có thể dẫn tới việc các chiến binh IS tìm cách quay lại châu Âu. “Chỉ cần một chiến binh IS lọt vào châu Âu cũng là mối đe dọa nghiêm trọng, do đó EU phải đề phòng và tăng cường khả năng chống lại mối đe dọa tấn công khủng bố”, ông Julian King nói.
Malaysia như ngồi trên lửa
Hãng tin Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 18/10 cảnh báo hàng nghìn tay súng IS sẽ bắt đầu chạy trốn khỏi Iraq và Syria, sau đó sẽ di chuyển đến khu vực Đông Nam Á. Các phần tử này trở về quê hương hoặc tìm địa điểm an toàn ở một số khu vực. Do đó, khu vực Đông Nam Á cần chủ động ứng phó với nguy cơ này.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi thông báo nước này đã tăng cường an ninh ở khu vực biên giới đề phòng những tay súng phiến quân người Malaysia tìm cách trở về nước sau khi các lực lượng Iraq phát động tấn công lớn giành lại Mosul. Theo ông Zahid, lực lượng an ninh Malaysia ở sân bay và biên giới được tăng cường. Đồng thời, các tuyến đường bất hợp pháp những kẻ buôn lậu thường sử dụng cũng đang bị giám sát chặt chẽ. Hiện Malaysia đang trao đổi thông tin tình báo với các cơ quan tình báo quốc tế và đã có danh sách các nghi can, trong đó bao gồm danh tính những đối tượng được cho là có quan hệ với IS. Tuy ông Zahid không nêu cụ thể số người Malaysia hiện đang ở Mosul, song số liệu cảnh sát công bố tháng trước cho thấy, 90 người Malaysia đã gia nhập IS ở Syria và Iraq kể từ năm 2013.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn sự tháo chạy của các phiến quân IS sang Đông Nam Á. Tại khu vực, Malaysia củng cố quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Indonesia và Philippines. Ba quốc gia này đã tiến hành tuần tra chung tại biển Sulu, nơi các phiến quân Abu Sayyaff - nhóm phiến quân đã thề trung thành với IS - thực hiện nhiều vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Malaysia cũng có kế hoạch mời Brunei sớm tham dự tuần tra chung.
Malaysia đang trong tình trạng báo động cao. Tháng 6 vừa qua, 8 người bị thương khi hai đối tượng ủng hộ IS ném lựu đạn vào một quán bar ở ngoại ô Thủ đô Kuala Lumpur. Đây là vụ tấn công đầu tiên do IS tiến hành tại Malaysia. Hồi tháng 8, Malaysia hủy hộ chiếu của 68 đối tượng rời khỏi nước gia nhập IS. Theo thống kê, đã có 137 đối tượng bị bắt giữ do âm mưu gia nhập IS ở nước ngoài và trở về nước sau khi gia nhập IS, cũng như tài trợ cho tổ chức khủng bố này.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận