Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB. Ảnh: CTV |
Một ngân hàng đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát, song vị Chủ tịch HĐQT vẫn có thể “phù phép” rút hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng.
Rút ruột 903 tỷ đồng
Theo cáo trạng, tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank và đổi thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN. Tuy nhiên, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo HĐQT, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh… để rút ruột hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng.
Phi vụ đầu tiên là hợp đồng ủy thác mà TrustBank đã ký với Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt với thời hạn 2 năm. Trong hợp đồng TrustBank đã ủy thác đầu tư 900 tỉ đồng vào trái phiếu cho các công ty: Công ty CP Đầu tư & TM An Lộc 300 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư TM Thạch Hà 300 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư & TM Minh Quang 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là phụ lục hợp đồng ghi rõ sau 2 năm nếu Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt không tất toán được các khoản đầu tư vào trái phiếu trên, TrustBank sẽ đồng ý nhận lại tài sản của Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt là 900 tỷ đồng bằng đồng trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.
Trong ba ngày 22, 25, 28/5, VNCB đã chuyển tiền cho Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng ủy thác đầu tư và 3 tỷ đồng phí dịch vụ. Điều đáng nói việc VNCB ủy thác đầu tư trong khi chưa được NHNN chấp thuận nhưng VNCB vẫn chuyển 903 tỷ đồng không thông qua tổ giám sát.
Lập hồ sơ “ma”, cho thuê đất khống
Một phi vụ khác, ngày 11/6/2013 ông Phan Thành Mai, Phó tổng giám đốc VNCB đã có Tờ trình số 48 lên HĐQT đề nghị thực hiện Đề án hiện đại hóa công nghệ trong NH (hệ thống Corebanking). Chỉ một ngày sau, ông Phạm Công Danh đã thay mặt HĐQT ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hiện đại hóa ngân hàng mà không thông qua HĐQT của VNCB. Cũng trong ngày này, ông Mai đã đại diện ký hợp đồng với nhà cung cấp là Công ty TNHH Dịch vụ và TM JSC An Phát trị giá 12 triệu USD. Đến ngày 14 và 28/6 VNCB đã thực hiện chuyển tiền 63,276 tỷ đồng để tạm ứng thực hiện hợp đồng nâng cấp hệ thống Corebanking mà không báo cáo với Tổ giám sát NHNN.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, liên tiếp các vụ việc sai phạm xảy ra tại VNCB trong thời gian ngân hàng này được đặt trong tình trạng kiểm soát không thể không đề cập đến trách nhiệm của một số thành viên trong Tổ giám sát NHNN. Ngày 17/7/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh Long An và ông Hà Tấn Phước, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An. Hai người này đều từng là Tổ trưởng Tổ giám sát tại VNCB. |
Sau khi VNCB ký chuyển tiền, Công ty An Phát đã phát hành séc cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Phan Minh Tùng để rút tiền ra. Điều đáng nói, bà Trang và ông Tùng cũng là một trong số các nhà đầu tư mới tham gia nhận chuyển nhượng vốn cổ phần của VNCB. Chưa dừng lại ở đó, ông Danh đã dùng chiêu chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ thuê toàn bộ mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành (quận 10, TP HCM) với thời hạn 20 năm phương thức thanh toán một lần ngay sau khi ký hợp đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đang bị âm khoảng 900 tỷ đồng. Đáng chú ý, chủ miếng đất mà VNCB thuê chính là của... Phạm Công Danh đi thuê lại.
Cũng trong những ngày cuối tháng 6/2013 ông Danh tiếp tục chiêu cho vay bất động sản để rút ruột. Cụ thể, ngày 29/6/2013, VNCB đã cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường vay 300 tỷ đồng và Công ty đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh 300 tỷ đồng. Cả hai khoản tiền này đều vượt giới hạn cấp tín dụng cho phép và không được thông qua tổ giám sát NHNN. Trong đó có, những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đăng ký giao dịch bảo đảm.
Sau khi các khoản tiền này chuyển qua tài khoản các công ty như: Công ty Hương Việt, Công ty Thành Thành Công, các công ty này lại ký phát hành séc cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang.
Đến tháng 8/2013 ông Danh tiếp tục "phù phép" khoản tiền tiết kiệm từ 17 nhóm khách hàng vào túi của mình. Tổng số dư huy động của 17 nhóm khách hàng lớn tại VNCB là 6.178 tỷ đồng, nhưng các khách hàng này đã cầm cố sổ tiết kiệm vay lại VNCB là 5.368 tỷ đồng. Sau khi nhận nợ các khách hàng này lại chuyển tiền cho nhau trong nhóm cầm cố sổ tiết kiệm và các khoản tiền đi lòng vòng vào tài khoản VNCB đứng tên ông Phạm Công Danh.
Kết thúc điều tra giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Trong danh sách 36 bị can, có một số bị can đã có tiền án, tiền sự. Trong đó, Phạm Công Danh có tiền án 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận