Hàng hải

Hãng tàu ngoại nào tăng phụ phí cao nhất?

18/03/2024, 15:47

Thời gian qua, nhiều hãng tàu nước ngoài đã tăng các phụ thu ngoài giá lên cao tới 10%, thậm chí 20%.

Loạt hãng tàu tăng phụ phí

Từ đầu năm 2024, nhiều hãng tàu đã tăng giá phụ thu đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển, nổi bật là phụ thu bốc dỡ hàng hóa tại bến cảng (THC).

Theo Cục Hàng hải VN, mức tăng giá dịch vụ THC của các hãng tàu trung bình từ 3-22%, mức giá trung bình từ 120-155 USD/container 20 feet và 180-270 USD/container 40 feet.

Hãng tàu ngoại nào tăng phụ phí cao nhất?- Ảnh 1.

Mức tăng giá dịch vụ THC của các hãng tàu thời gian qua tăng trung bình từ 3-22% (Ảnh minh họa).

Cụ thể, những hãng tàu có mức tăng phụ thu cao hiện nay phải kể đến Yang Ming với mức tăng từ 15-20% và giá THC hiện khoảng 3,04 triệu đồng/container 20 feet và 4,66 triệu đồng/container 40 feet; hãng TS Lines có mức tăng từ 23,5-14% và giá THC hiện khoảng 3,55 triệu đồng/container 20 feet và 5,4 triệu đồng/container 40 feet; hãng RCL thu giá THC hiện khoảng 3,22 triệu đồng/container 20 feet và 4,88 triệu đồng/container 40 feet. Mức giá này của RCL đã tăng khoảng 13% so với trước đây và được áp dụng từ 19/2.

Từ 15/2, nhiều hãng tàu cũng tăng giá THC từ 10-11% như CK Line (mức thu hiện 132 USD/container 20 feet và 198 USD/container 40 feet); Hãng Dongjin cũng có mức thu tương tự CK Line; hãng Nam Sung (mức thu cho container 20 feet và 40 feet lần lượt là 138 USD và 208 USD) - mức thu tương tự hãng Dongyoung; hãng CU Lines với mức thu đạt khoảng 3,5 triệu đồng/container 20 feet và 5,4 triệu đồng/container 40 feet.

Trong đó, hãng Pancon có mức thu giá cao nhất với 3,4 triệu đồng/container 20 feet và 6,57 triệu đồng/container 40 feet, tương ứng 140 USD và 270 USD. Mức tăng giá THC của Pancon thời gian qua tăng khoảng 10,2% so với trước đó.

Đối với các "ông lớn" vận tải biển, hãng OOCL thời gian qua tăng giá THC hơn 10% và có mức thu cho container 20 feet và 40 feet tương ứng là 125 USD và 195 USD; Hãng HMM có mức thu lần lượt là 3,03 triệu đồng và 4,55 triệu đồng.

Một số hãng có mức tăng giá dưới 10% có thể kể đến ZIM (tăng hơn 9%), PIL (tăng hơn 6%), CMA-CGM (tăng hơn 5%). Các hãng tàu này đều tăng phụ phí THC tính từ đầu tháng 3.

Ngoài ra, hiện có một số hãng tàu chưa thay đổi mức giá THC như Cosco, Maersk Line, SITC, YCK, ONE... 

Tuy nhiên, theo thông báo của hãng tàu ONE, hãng cũng dự kiến điều chỉnh giá THC từ 1/4 với mức thu 2,75 triệu đồng/container 20 feet và 4,4 triệu đồng/container 40 feet. Mức điều chỉnh này tăng gần 20% so với mức giá cũ.

Tăng thêm một số phụ thu 

Theo Cục Hàng hải VN, các phụ thu ngoài giá cước vận tải hãng tàu đang thu đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được áp dụng cho từng đối tượng hàng xuất và hàng nhập.

Đối với hàng xuất chủ yếu là THC, chứng từ, kẹp chì, khai báo hải quan (đối với hàng đi Mỹ và Châu Âu); Đối với hàng nhập khẩu là THC, vệ sinh container, mất cân bằng container, điện giao hàng. Trong đó, THC chiếm tỷ trọng lớn nhất, tất cả các hãng tàu đều thu THC.

Ngoài ra, một số ít hãng tàu còn thu thêm như mất cân bằng container, sửa chữa container, khai báo trọng tải hàng hóa. 

Đối với một số loại phụ thu không thường xuyên, xuất hiện tại từng thời điểm hoặc theo mùa vụ tùy thuộc vào từng thời điểm và hãng tàu có chính sách áp dụng khác nhau như: phụ thu kẹt cảng, phụ thu xăng dầu, phụ thu mùa cao điểm…

Các loại phụ thu đã được hãng tàu niêm yết trên trang thông tin điện tử của hãng tàu. Tuy nhiên, việc niêm yết chỉ thể hiện mức giá, không nêu cụ thể lý do thu, thời điểm bắt đầu thu và kết thúc. Mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự quyết định mà không có sự thỏa thuận với khách hàng.

Ngoài ra, một số phụ thu khác cũng tăng như Phí vệ sinh container của hãng TS Lines tăng 40% từ 1/2/2024 (từ 150.000 lên 210.000 VNĐ đối với container 20', từ 300.000 lên 420.000 đối với container 40'); Phụ thu DOC và DOF (phụ thu chứng từ) của hãng MSC tăng 12,5% từ 1/2/2024 (từ 800.000 tăng lên 900.000 đồng). 

Hãng tàu Yang Ming đã có thông báo giảm các phụ thu khác ngoài THC trong các tháng 2 và tháng 3/2024, trừ phụ thu cân bằng hàng nhập khẩu (tăng 30%, từ tháng 3/2024).

Trước đó, Bộ GTVT ban hành Thông tư 39/2023 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển chính thức được áp dụng, tăng 10% mức giá dịch vụ bốc dỡ container so với trước đó.

Hiệp hội Chủ hàng VN đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho biết, các hãng tàu nước ngoài cũng đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) với mức tăng khoảng 10-20%. Mức tăng này của hãng tàu đã cao gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Việc các hãng tàu tăng phí, phụ phí gây ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp xuất khẩu, logistics nội địa, đặc biệt trong bối cảnh hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang được chuyên chở bởi các hãng tàu nước ngoài.

Ngoài phí THC, theo Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải VN (Visaba), các hãng tàu ngoại đang thu 10 loại phụ phí khác, phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Tuy nhiên, mức giá và các loại phụ thu này do hãng tàu tự quyết định, không có sự thỏa thuận với khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.