Chiều tối 6/4, tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, lực lượng người nhái vẫn đang nỗ lực tìm thi thể nạn nhân thứ 5 trong vụ máy bay rơi.
Trước đó, đến 9h30 sáng 6/4, đã tìm thấy thêm 4 trên tổng số 5 nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc này. Hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn cũng được tìm thấy vào trưa nay (6/4).
Nguyên nhân máy bay trực thăng chở khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) bị rơi ở vùng biển Quảng Ninh giáp ranh với TP Hải Phòng đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Thi thể hành khách thứ 3 được lực lượng chức năng tìm thấy hồi hơn 9h sáng 6/4
Chia sẻ với PV Báo Giao thông sáng 6/4, anh Nguyễn Cao Cường, con rể ông Hồ Tá Lực (SN 1964) và bà Nguyễn Thị Hội (1963) - hai nạn nhân bị tử nạn trên chuyến bay cho biết, sau khi sự cố xảy ra, có người xưng đơn vị tổ chức dịch vụ bay đã liên lạc và cam kết là sẽ lo toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại cho thân nhân các nạn nhân từ Đà Nẵng vào Quảng Ninh và di chuyển thi thể về Đà Nẵng để làm hậu sự.
"Lúc mua vé máy bay và làm thủ tục, em không vào cùng, nên không nắm được là vé máy bay có bảo hiểm đối với hành khách hay không? Do hiện tại, gia đình đang bối rối, nên chưa hỏi rõ nội dung này", anh Cường nói.
Anh Nguyễn Cao Cường, con rể của vợ chồng nạn nhân tử nạn trên chuyến bay chia sẻ với PV Báo Giao thông sáng 6/4
Theo số điện thoại liên hệ được anh Cường cung cấp, PV Báo Giao thông trao đổi với một nhân viên dịch vụ bán vé máy bay trực thăng tham quan vịnh Hạ Long của đơn vị có chiếc máy bay bị rơi chiều tối 5/4.
Người này cho biết, vé này là do đơn vị quản lý, khai thác bán và có bảo hiểm cho hành khách và cả máy bay.
Tuy nhiên, khi PV hỏi thêm là tiền bảo hiểm trên hành khách và bảo hiểm mua của hãng nào thì nhân viên trực tổng đài không trả lời.
"Hiện, dịch vụ bay trực thăng của đơn vị đã tạm dừng. Bảo hiểm là 30 triệu đô/vụ cả máy bay, cả người", nhân viên trực tổng đài trả lời như vậy rồi cúp máy.
Thi thể hành khách thứ 3 được tìm thấy và đưa về Nhà tang lễ TP Hạ Long trưa 6/4
Được biết, Công ty Trực thăng Miền Bắc là đơn vị cung cấp dịch vụ bay trực thăng du lịch trên vịnh Hạ Long. Giá dịch vụ cho bay du lịch bằng trực thăng dao động từ 2,2 - 6,16 triệu đồng/khách.
Công ty Trực thăng Miền Bắc là đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng dịch vụ bay trực thăng du lịch vịnh Hạ Long được nhiều đơn vị lữ hành chào bán.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm có chi nhánh tại tỉnh Quảng Ninh (đề nghị giấu tên) cho biết, thông thường, đơn vị lữ hành chào bán tour du lịch trực thăng ngắm vịnh Hạ Long đưa ra với mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ.
Tuy nhiên, thực tế việc bồi thường vụ tai nạn máy bay phải căn cứ trên hợp đồng bảo hiểm giữa hành khách và đơn vị bán vé. Việc bồi thường cho tai nạn sẽ phụ thuộc vào điều khoản tại hợp đồng đã ký.
Những vật thể liên quan đến chiếc máy bay trực thăng bị rơi được cơ quan chức năng trục vớt
Bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long là sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế từ nhiều năm qua, và mới đưa vào phục vụ khách trong nước 2 năm nay.
Phương tiện để phục vụ tour du lịch này là máy bay trực thăng du lịch mới cỡ nhỏ BELL 505. Dịch vụ này do Công ty bay Dịch vụ miền Bắc (VHN) điều hành và quản lý các chuyến bay.
Trực thăng BELL 505 hiện đại có 5 chỗ ngồi, trong đó 1 chỗ dành cho phi công và 4 chỗ dành cho hành khách. Trực thăng du lịch đã có sân bay helipad riêng trên đảo Tuần Châu TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, phục vụ 3 loại chuyến bay ngắm cảnh Hạ Long (10 phút, 15 phút, 30 phút).
Vào hồi 16h50 ngày 5/4/2023, máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển xuất phát từ bãi đáp Tuần Châu thực hiện chở khách tham quan vịnh Hạ Long.
Chiếc trực thăng đã mất liên lạc lúc 17h15 cùng ngày, sau đó thì gặp nạn tại khu vực biển giáp ranh địa giới Hải Phòng - Quảng Ninh).
Danh tính nạn nhân vụ máy bay rơi gồm có 5 người là Đại tá Chu Quang Minh, sinh năm 1964, phi công và 4 hành khách gồm: vợ chồng ông Hồ Tá Lực, sinh năm 1964 và bà Nguyễn Thị Hội, sinh năm 1963; em gái ông Lực là bà Hồ Thị Oanh, sinh năm 1972 và bà Phạm Thị Bê, sinh năm 1958 - bạn ông Lực.
Cả 4 hành khách đi trên chuyến bay này đều có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng và đến Quảng Ninh thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận