Thế giới

Hậu Charlie Hebdo: Châu Âu tiếp tục căng mình chống Hồi giáo cực đoan

19/01/2015, 06:48

Cảnh sát Pháp, Đức, Bỉ tiến hành đợt truy quét quy mô lớn, bắt hơn 20 người, nhằm ngăn chặn làn sóng khủng bố.

111

Số ra mới nhất của Tạp chí Charlie Hebdo đang bị những người Hồi giáo phản đối

Nâng mức cảnh báo

Chính phủ Bỉ nâng cảnh báo an ninh lên mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ 3/4 trong thang cảnh báo; đồng thời đề xuất tước quốc tịch công dân từng tham gia thánh chiến, cách ly các tù nhân có thể tuyên truyền tư tưởng cực đoan, giám sát các phần tử cực đoan qua các mạng xã hội, viễn thông. Tại Anh, ngoài nâng báo động lên mức “nghiêm trọng” – cao thứ 4/5 trong thang điểm, cảnh sát cân nhắc mở rộng việc trang bị súng bắn điện nhằm tăng khả năng tự vệ và trấn áp tội phạm, theo France 24.

Với Pháp, sự tham gia mạnh mẽ trong cuộc chiến IS ở Iraq và Syria được xem là nguyên nhân khiến nước này trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức/đối tượng Hồi giáo cực đoan. Nước Pháp có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Tây Âu, khoảng trên 5 triệu người. Và vụ thảm sát tại Tạp chí Charlie Hebdo tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sự bất ổn xã hội về lâu dài ở châu Âu: Phong trào “Chống Hồi giáo hóa phương Tây” tại Đức, đảng Mặt trận Quốc gia Pháp theo đường lối bài ngoại; Các lực lượng cực hữu khác dùng vụ Charlie Hebdo để biện hộ cho chính sách bài ngoại, nhất là người Hồi giáo.

Liên quan tới nỗ lực chống khủng bố, ngày 22/1 tới, tại London (Anh) sẽ diễn ra hội thảo chống khủng bố với sự tham gia của 20 nước để thảo luận cách thức đối phó với IS, với các nội dung như: Quân sự, tài chính, chiến binh nước ngoài, thông tin tình báo, hỗ trợ nhân đạo.

Tại các quốc gia Hồi giáo hiện đang bùng lên nhiều cuộc biểu tình phản đối sau số mới nhất của Tạp chí Charlie Hebdo đăng ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammad. Các cuộc biểu tình tại Niger khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 6 nhà thờ bị tấn công. Tổng thống Niger, ông Mahamadou Issoufou - từng có mặt trong cuộc tuần hành tại Paris, biểu thị tinh thần đoàn kết với nước Pháp sau vụ thảm sát nói rằng, “không ủng hộ trước việc Charlie Hebdo tiếp tục việc in biếm họa nhà tiên tri Mohammad”. Tại Karachi (Pakistan), Amman (Jordan) các cuộc biểu tình ôn hòa đã biến thành bạo lực khi một số người đụng độ với cảnh sát.

Trong khi đó, ông Gerard Biard, tân Tổng biên tập Charlie Hebdo đã lên tiếng bảo vệ những bức tranh biếm họa gây tranh cãi về nhà tiên tri Mohammad và khẳng định các bức tranh này đều nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo, theo NBC. Còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng, “chưa bao giờ thách thức khủng bố từ “những kẻ thù nội địa” lại đè nặng lên nước Pháp như hiện nay”.

Các nhà quan sát nhận định, sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Hồi giáo cho thấy “vòng luẩn quẩn trả đũa” sẽ làm gia tăng sự chia rẽ và căng thẳng tại châu Âu.

Nguy cơ nữ binh thánh chiến

Hiện có khoảng 20 triệu người Hồi giáo sống tại châu Âu và theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 4 nghìn công dân tham gia thánh chiến. Các chuyên gia tình báo đánh giá cứ 9 cựu binh thánh chiến hồi hương sẽ có ít nhất một người sẵn sàng “gây loạn trong nước”.

Một nguy cơ khác, khi báo chí Anh hôm qua cảnh báo một nhóm phụ nữ Anh tới Syria gia nhập IS đang cổ vũ các phụ nữ khác tiến hành khủng bố trong nước. Trung tâm quốc tế nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan (ICSR) thuộc Đại học King xác định, hiện có khoảng 30 phụ nữ Anh đang cư trú tại miền Bắc Syria. Họ công khai ca ngợi vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo và muốn có thêm các vụ đổ máu cũng như hành quyết người phương Tây.

Chuyên gia Melanie Smith thuộc ICSR cho rằng, phần lớn phụ nữ phương Tây gia nhập IS thụ động, khi theo chồng là các chiến binh “thánh chiến” và họ đang kêu gọi những người chưa tới được Syria hãy “làm điều gì tại nhà”. Ông Melanie Smith cảnh báo cần theo dõi quá trình hồi hương của họ; bởi nhiều vụ đánh bom liều chết mà thủ phạm là phụ nữ và nhiều phụ nữ bày tỏ sự bất mãn khi không thể tới Syria tham chiến.

Hiện, ICSR nắm tung tích 70 phụ nữ, trong đó trẻ nhất là một thiếu nữ Pháp 15 tuổi và đối tượng mới nhất là Hayat Boumeddiene, bạn gái của Amédy Coulibaly trong vụ sát hại cảnh sát và con tin tại Pháp.

Thanh Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.