Nếu Mỹ thu hồi thỏa thuận hạt nhân Iran, hậu quả sẽ lan tới Triều Tiên |
Sau nhiều tranh cãi và đồn đoán, trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra đánh giá của Mỹ về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa nước này và nhóm P5+1 (Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc) năm 2015 hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng không chỉ tới Iran, các nước ký hiệp ước mà còn có tác động tiêu cực tới khu vực, thậm chí lan tới cả Triều Tiên - quốc gia vốn đang khiến Mỹ còn đang đau đầu ở châu Á.
Hậu quả nhãn tiền
Đến ngày 10/10, theo giờ VN, phần lớn các nhà quan sát và chính trị gia thế giới đều cho rằng, khả năng cao chính quyền ông Trump sẽ rút lại thỏa thuận đa phương từng được đánh giá là một thành tựu ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Tờ New York Times đánh giá, Tổng thống Trump sẽ thu hồi lại thỏa thuận Iran bất chấp thực tế rằng Iran không vi phạm các điều kiện trong thỏa thuận.
Thực tế, các quan chức an ninh quốc gia trong nội các Mỹ từng phát ngôn công khai rằng, Iran đáp ứng mọi điều kiện trong cam kết. Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), chịu trách nhiệm giám sát và đánh giá thỏa thuận, đã công bố 8 báo cáo trong 2 năm qua và đều đưa ra các kết luận Iran tuân thủ thỏa thuận.
Nhưng, chính quyền Tổng thống Trump không sử dụng lý lẽ về việc tuân thủ thỏa thuận để thu hồi thỏa thuận mà chuẩn bị để tranh luận theo hướng cam kết này không còn đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ vì các hoạt động khác của Iran tại Trung Đông. Mỹ đang cáo buộc Iran hậu thuẫn khủng bố, gây bất ổn tại Syria, Yemen và đe dọa an an ninh Israel.
Tờ New York Times nhận định, chính quyền Tổng thống Trump có phần đúng khi cho rằng hành vi của Iran gây ảnh hưởng tương đối lớn tại khu vực nhưng sai ở chỗ những hành vi này đi ngược với “tinh thần” của thỏa thuận và bởi vậy họ kết luận Iran không tuân thủ thỏa thuận.
Lẽ ra, chính vì những vấn đề này của Iran đã cho thấy cần phải có thỏa thuận năm 2015 sớm hơn bởi nếu Iran không bị ràng buộc, lại trang bị vũ khí hạt nhân, sẽ tiềm ẩn mối đe dọa rất lớn với an ninh khu vực và toàn cầu, tờ New York Times nêu quan điểm.
Hơn nữa, Nhà Trắng cũng đưa ra một số tín hiệu cho thấy, sau khi thu hồi thỏa thuận, ông Trump sẽ kêu gọi Quốc hội không tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran như trước khi có khế ước với nhóm P5+1. Thay vào đó, ông hy vọng sẽ thông qua một dự luật mới để giải quyết các vấn đề không liên quan tới thỏa thuận hạt nhân này.
Nếu Quốc hội thuận theo, hành động đơn phương để thay đổi một cam kết mang tính chất đa phương như vậy sẽ hoàn toàn giết chết thỏa thuận cực kỳ quan trọng với khu vực Trung Đông và thế giới.
Hệ quả khôn lường
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Các chuyên gia cũng lo ngại, về lâu dài, động thái này gây ra nhiều hệ quả khôn lường. Trước mắt, quyết định của Chính phủ Mỹ sẽ phá vỡ niềm tin của các nước đối tác với Mỹ và cô lập nước này. Hiện nay, tất cả các bên khác trong thỏa thuận đều muốn tiếp tục duy trì, trừ Mỹ.
Theo báo chí Mỹ, động thái này cũng có thể gây chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, làm suy yếu quan hệ xuyên Đại Tây Dương cốt lõi của Mỹ trong khi đó lại tăng cường ảnh hưởng của Iran, Nga và Trung Quốc.
Tháng tới, khi ông chủ Nhà Trắng tới Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên, ông sẽ đối mặt với thái độ không mấy hào hứng từ đối tác Bắc Kinh.
Một hệ quả khác, như Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo, nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran thì hành động đó sẽ khiến Triều Tiên không thể đồng ý với bất cứ thỏa thuận quốc tế nào liên quan tới chương trình hạt nhân của họ.
“Mối quan ngại lớn nhất của chúng tôi là, về phía Triều Tiên, rất có thể họ sẽ không sẵn sàng đồng ý với bất cứ thỏa thuận quốc tế nào để kiềm chế việc phát triển vũ khí hạt nhân nếu thỏa thuận duy nhất về hạt nhân trên thế giới hiện nay đang có nguy cơ đổ bể”, ông Gabriel chia sẻ.
Theo Ngoại trưởng Đức, Berlin sẵn sàng tăng cường gây áp lực lên Iran nhưng chúng tôi không muốn thấy thỏa thuận đó bị tổn hại. Ông Gabriel một lần nữa kêu gọi Mỹ tuân thủ thỏa thuận, nhấn mạnh rằng, động thái phá vỡ cam kết sẽ đe dọa tới an ninh thế giới.
Thậm chí ông còn nói, “thế giới sẽ thay đổi” nếu Washington “nuốt lời” vì nó đồng nghĩa với việc Mỹ đang thay thế quy định của luật pháp bằng luật của kẻ mạnh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận