5 tháng đầu năm 2017, cao tốc Nội Bài - Lào Cai phục vụ gần 4 triệu lượt phương tiện |
Các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đã phục vụ 91 triệu lượt phương tiện, trung bình 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt trong một ngày đêm. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, đã có 15,6 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc, tăng 10% so với lượng phương tiện qua lại trong nửa đầu năm 2016.
An toàn và giảm chi phí
VEC hiện là chủ đầu tư 6 tuyến đường cao tốc; trong đó, 3 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác với tổng chiều dài 350km (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây); hai tuyến cao tốc đang thi công (Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành) và một tuyến đang triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư (Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Các tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh - quốc phòng... Cụ thể, từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 14/11/2011), tính đến nay, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ 38,5 triệu lượt phương tiện, bình quân 30.000 - 35.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Sau hơn 5 năm đưa vào khai thác và sử dụng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, hình thành và liên kết các khu công nghiệp, tăng cường giao lưu, giao thương hàng hóa và cắt giảm tối đa chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Trước đây, các phương tiện đi từ Hà Nội đến Ninh Bình theo QL1 mất hơn 2 giờ, khi đi trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ mất hơn 1 giờ. Bên cạnh đó, khi lưu thông trên cao tốc, các phương tiện và chủ doanh nghiệp vận tải còn tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí so với lưu thông trên tuyến QL1 cũ.
Giữ kỷ lục tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam đang khai thác hiện nay (245km), cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá hạ tầng GTVT khu vực Tây Bắc. Tuyến đường cao tốc đã giúp giảm thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ, góp phần thúc đẩy phát triển các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đền Hùng (Phú Thọ), Sa Pa (Lào Cai), các khu du lịch tâm linh ở phía Bắc cũng như kết nối các khu công nghiệp.
Tuyến đường hoàn thành không chỉ đáp ứng mong mỏi bấy lâu của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc mà còn mang đến hiệu quả kinh tế có thể nhìn thấy rõ. Kể từ khi đưa vào khai thác đến nay, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phục vụ 18,3 triệu lượt phương tiện. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, đã có trên 3,7 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, trung bình 20.000 - 25.000 lượt phương tiện/ngày đêm.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55km) là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư, quản lý và khai thác. Đây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ khi đưa vào khai thác, dự án đã rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP.HCM với Phan Thiết chỉ còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây. Đồng thời, quãng đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 95km với thời gian khoảng 1 giờ 20 phút thay vì 120km với 2 giờ 30 phút như trước.
|
Chuyển biến nhận thức người tham gia giao thông
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, phát triển đường cao tốc ở Việt Nam là nhu cầu cần thiết khi đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm. Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến.
Trong khi đó, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, thời gian qua, những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác như: Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… đã mang lại hiệu quả tích cực. “Qua khảo sát cho thấy, sản lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa đều tăng lên, thời gian rút ngắn, góp phần giảm chi phí”, ông Ngọc nói và chia sẻ, hiện nay, chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% trong tổng GDP.
“Cước vận tải giảm góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Ngọc cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, ngoài hiệu quả KT-XH, các tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác đã tác động đến việc chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông trên đường cao tốc. “Thông qua đó xây dựng văn hóa giao thông rõ nét hơn. Đây cũng là cơ sở để tiếp cận với cách xây dựng ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông”, ông Dánh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận