Hồ Quỳnh Hương sẽ nồng nàn, da diết hơn khi thể hiện những bài hát của nhạc sỹ Thanh Tùng |
Hồ Quỳnh Hương những năm gần đây đã khá tĩnh khi lựa chọn các ca khúc thể hiện. Âm nhạc của chị khép kín hơn, giàu giai điệu hơn và hướng tới tâm linh hơn. Đã 3 năm nay, nhiều ca khúc của Hồ Quỳnh Hương mang nhiều tính hướng thượng, thấm đẫm ít nhiều chất Phật giáo. Hồ Quỳnh Hương vẫn nồng nàn, sự im lặng trong 3 năm có nhiều câu chuyện bên trong nhưng quan trọng nhất là tiếng hát của cô đã được giữ ấm và vẫn thuyết phục được người nghe.
Giọng hát Hồ Quỳnh Hương mỗi lần cất lên như lời tâm sự chất chứa cả nỗi lòng. Chị hát là để nghe kể một câu chuyện mới, một vùng đất mà cô đã đi qua. Tất cả đơn giản nhưng vẫn bật lên được giọng hát đẹp của Hồ Quỳnh Hương. Một Quỳnh Hương đa sắc màu khi hoá thân thành geisha người Nhật lặng lòng yêu, khi lấp lánh, sâu lắng tiếng kinh phật khác hẳn với hình ảnh nhiều người đã quen thưởng thức từ Bức thư tình thứ hai, Vũ điệu hoang dã cho đến Lời cầu nguyện, Nuối tiếc, Hoang mang, Ước mơ trong đời, Honey, Anh, Quỳnh…
Dấu ấn Hồ Quỳnh Hương để lại trong mỗi câu chuyện là sự riêng biệt. Và khi bị cuốn vào thế giới sắc màu ấy, người nghe như thể tìm thấy được những cảm xúc tương phản mà Hồ Quỳnh Hương muốn gửi gắm, có hạnh phúc và khổ đau, có đen và trắng, có thăng và trầm, có nước mắt và nụ cười… Và với mạch cảm xúc ấy, Hồ Quỳnh Hương hát nhạc Thanh Tùng với nỗi khắc khoải khi hát Em và tôi, Lối cũ ta về, Trái tim không ngủ yên…
Hồ Quỳnh Hương sẽ cùng các ca sỹ Hồng Nhung, Tùng Dương, Quang Dũng, Uyên Linh và các ca sỹ Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam thắp lên ngọn lửa yêu trong lòng khán giả qua chương trình “Hoa cúc vàng tháng 3”.
Thanh Thúy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận