Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Tôi thích quan sát người khác, nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ học ngành tâm lý |
"Đôi khi tôi cũng giật mình tự hỏi những gì mình đang làm có khác người quá không?", Thủy tự hỏi mình chứ không cần tôi hỏi. Nhưng tôi biết, dù có khác người đến mấy, thì với Thủy, cô hoa hậu này vẫn sẽ làm, nếu thích.
"Tôi nghĩ mình giàu có"
Tôi thường thấy các hoa hậu khoe vẻ đài các của mình trong các sự kiện nhưng lại thấy chị làm việc quần quật như một người khởi nghiệp, một người làm phim. Vì sao hoa hậu phải vất vả như vậy?
Đôi khi tôi cũng hay giật mình tự hỏi: Những gì mình đang làm có khác người quá không? Người Việt Nam hay có một vài tiêu chuẩn hoặc quan niệm như hoa hậu phải như thế này, phụ nữ phải như thế kia. Nhưng rất nhiều người khi làm việc cùng với tôi không biết tôi là hoa hậu, hoặc làm cùng một thời gian thì cũng quên tôi là hoa hậu. Tôi thích điều đó.
Bạn hỏi vì sao tôi lựa chọn công việc (được coi là vất vả) thay vì (như nhiều người quan niệm) là hoa hậu, tôi nên có một cuộc sống an nhàn hơn? Đơn giản, vì với tôi, cuộc sống như vậy mới thú vị và đáng sống.
Chị làm việc vất vả là để trang trải cuộc sống? Nếu không thực sự giàu có như những gì người ta thường nghĩ về hoa hậu, chị có ngại lộ ra điều đó?
Tôi làm việc vì đam mê. Nói thật đến tuổi này, với những gì tôi có, chọn một con đường, một công việc mang lại hiệu quả kinh tế không quá khó.
Nhưng có lẽ số tôi như vậy, tôi thân cư mệnh, thân tự lập thân, không dựa dẫm được vào ai bao giờ. Trong suốt 10 năm, là đầu tàu cho cả một hệ thống kinh doanh (không chỉ có spa), chỉ cần buông lỏng một chút thôi là mọi việc tất yếu sẽ đi xuống.
Vì vậy, khái niệm làm việc vì đam mê mà tôi đạt được lúc này có lẽ cũng là một “sự vất vả” với người khác.
Tôi có sức khoẻ, có một công việc yêu thích, được làm điều mình thích và không bị phụ thuộc, đó là ao ước của nhiều người. Tôi nghĩ mình giàu có (cười).
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy |
"Tôi từng trắng tay"
Có thời gian, chị thừa nhận mình bên bờ phá sản, giai đoạn đó đã qua chưa?
Cách đây vài năm tôi sa vào khủng hoảng, tài chính, tinh thần và cả sức khoẻ cũng bị kéo theo.
Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 2000. Mới đầu khá vất vả, khi gặt hái được thành công thì tôi lại rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Tôi bỏ bê mọi việc kinh doanh (dù thời điểm đó vẫn rất tốt).
Lúc đó, tôi đứng giữa hai lựa chọn, một là quay lại chiến đấu tiếp. Hai là tạm buông một thời gian, nhìn lại mình, chấp nhận thất bại.
Năm đó, tôi lên miền núi làm phim tài liệu Người khác. Khi về, tôi đối diện với hậu quả: công ty phá sản, phải đóng cửa và trắng tay.
Nghĩ lại tôi thấy mình đã lựa chọn đúng, nếu cứ theo tiếp, tôi tin mình có thể thành công nhưng chắc chắn lúc đó tôi là một người rất bất hạnh.
"Tôi thích quan sát người khác"
Lại nói chuyện làm phim, tôi biết chị vừa có một chuyến đi hiếm có để làm loạt phim tài liệu về người Việt nổi tiếng ở châu Âu. Chị thu lượm được gì cho mình khi đối diện với họ?
Cũng không hẳn là chỉ về những người nổi tiếng. Làm phim về người khác là một mong muốn và dự định từ nhiều năm nay của tôi. Tôi thích quan sát người khác, nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ đi học tâm lý học.
Việc này với tôi tương đối mâu thuẫn, một mặt tôi là người sống khép kín, ít bạn bè, không thích giao du, hồi nhỏ tôi còn nhút nhát, khó gần. Một mặt khác, tôi gần như ám ảnh về chuyện quan sát những người khác.
"Tôi cũng đã làm một vài người bật khóc trên phim, khi chạm đến những tầng sâu hơn của cảm xúc." Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy |
Hồi bé, tôi hay bị nhốt ở nhà khi bố mẹ đi làm, tôi có thể ngồi hàng tiếng bên cửa sổ, quan sát những người hàng xóm sinh hoạt bên bể nước chung hoặc ngồi trên vỉa hè những giờ tan tầm, quan sát người qua lại. Với tôi, mỗi người là cả một thế giới với những câu chuyện riêng thú vị.
Vì vậy, chuyến đi châu Âu và dự án phim dài tập về người Việt ở châu Âu với tôi là cơ hội tuyệt vời. Tôi muốn đào sâu để nhìn nhận họ từ nhiều khía cạnh. Đằng sau một bác sĩ thành công là một người đàn bà, một người mẹ (bác sĩ Lê Thuý Oanh ở Hungary), đằng sau một dịch giả là những nỗi nhọc nhằn với con chữ (dịch giả Giáp Văn Chung). Rất rất nhiều những nhân vật mà tôi đã phỏng vấn như Khánh Ly - quán quân Master Chef 2015 ở Pháp hay chỉ là một người bán cà phê dạo ở Séc… họ đều mang tới cho tôi những bài học.
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong chuyến đi làm phim về người Việt tại châu Âu tháng 12/2015 |
Tôi nhìn thấy người Việt ở khắp nơi, không ai giống ai, có người chỉ mưu sinh, có người đeo đuổi sự nghiệp khoa học, có người làm nghệ thuật... nhưng chung tất cả, họ đều có sức mạnh của những người không đầu hàng số phận, cố gắng sống tử tế, gắn bó với gia đình và có những nỗi nhớ nhung, ám ảnh về quê hương rất đặc biệt.
Đi làm phim, hoa hậu thì cũng bê vác, làm quần quật
Những lúc làm nghề, cái mác hoa hậu có khi nào làm chị khó xử?
Trong hơn 3 tháng ở châu Âu, gặp hơn 100 nhân vật, làm 16 tập phim, rất ít người biết tôi là hoa hậu. Khi tôi tiếp cận với họ, gửi thư mời, trao đổi qua email hoặc nhờ giới thiệu, tôi đều nói chuyện với tư cách là người tổ chức sản xuất.
Có người cũng đã chuẩn bị sẵn những mặc định về tôi nhưng sau khi tiếp xúc, họ thay đổi hẳn, chúng tôi trở nên thân thiết hơn nhiều. Tất nhiên, để một ai đó trải lòng với mình và sẵn sàng để vào phim lại là câu chuyện khác.
Tôi có những nguyên tắc của mình.
Điều đầu tiên là không nề hà việc gì vì đoàn làm phim chỉ có 3 người. Hai là tôi không trang điểm, ăn vận giản dị nhất có thể vì tôi nhận ra, những nhân vật được phỏng vấn, họ rất xa cách khi tôi trang điểm đậm, đeo trang sức, ăn mặc cầu kỳ. (Về tâm lý học, đó là phản ứng gương, một cách vô thức con người ta chỉ tin cậy và mở lòng khi đối diện với những gì người ta cho là chân thực).
Điều thứ ba là tôi cam kết với bản thân không thoả hiệp. Ba tháng trời có quá nhiều khó khăn, chỉ cần mình dùng dằng, có một mảy may muốn lùi bước là những người còn lại trong nhóm sẽ buông ngay và vỡ trận là tất yếu.
Ba tháng ở châu Âu, chúng tôi đã đi qua hơn 30 thành phố, di chuyển bằng xe ô tô là chủ yếu, có thời gian thì đi tàu điện ngầm, xe buýt, hàng ngày phải đi bộ rất nhiều.
Ngày đi quay, đêm về lại hội ý để dựng, biên tập lại, hỉ nộ ái ố cũng đủ cả.
Có doanh nhân 30 năm nay không tiếp xúc báo chí, vậy mà tôi đã thuyết phục anh trả lời phỏng vấn, cộng với kể lại một vài câu chuyện kinh doanh rất dí dỏm. Có một nhà văn gốc Việt không bao giờ cho truyền thông biết đến đời tư, vậy mà bà đồng ý để chúng tôi đến tận tư gia, sẵn sàng cho chúng tôi quay cận cảnh trong không gian riêng tư của bà.
Tôi chịu ảnh hưởng từ bố rất nhiều
Chất văn và kịch bản phim của chị nhiều cảm xúc và khác biệt. Có người nói, Thủy ngày hôm nay ảnh hưởng rất nhiều từ một người đàn ông tài năng còn giấu mặt? Đến bao giờ chị sẽ công khai về người đàn ông của mình?
Tôi sẽ không trả lời trực diện câu hỏi này (cười). Còn người đàn ông của tôi, người đàn ông tôi chịu nhiều ảnh hưởng nhất chính là bố. Và có lẽ vì vậy, những người đàn ông quan trọng trong cuộc đời tôi đều có một phần hoặc phảng phất đâu đó hình ảnh của bố.
Ngoài kia đã là mùa xuân, người như chị, thường đặt ra cho mình mục tiêu cho một năm mới, ví như năm 2016 này chẳng hạn, chị mong muốn gì?
Năm 2016 có lẽ sẽ là năm bước ngoặt của tôi trong công việc. Tôi sẽ xuất bản một, hai quyển sách và tập trung cho việc viết hơn.
Một câu hỏi cuối, có người nói danh hiệu hoa hậu dường như quá nhạt với cá tính và con người của chị. Thủy hợp hơn khi là một nhà tạo mẫu hay một văn sĩ. Hỏi thực, chị thích mình là ai?
Hồi nhỏ tôi biết mình sẽ trở thành người viết vì tôi thích các câu chuyện và thấy thoải mái trong thế giới ấy.
Tôi nói là người viết, vì với tôi văn sĩ, nghệ sĩ hay hoa hậu chỉ là những thứ ngoại thân.
Nó sẽ chỉ theo bạn trong một thời kỳ nào đó của cuộc đời, hoặc (may mắn) được người khác gắn vào bạn.
Cảm ơn Thủy!
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Từ nhỏ tôi đã biết mình sẽ trở thành người viết |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận