Hoàng thành Thăng Long đang bị tổn thương |
Điều hành quản lý hai dự án chưa như mong muốn
Theo GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, khi đồng thời triển khai xây dựng Nhà Quốc hội và tiến hành các giải pháp bảo tồn Di tích Hoàng thành Thăng Long thì chúng ta phải ý thức sâu sắc được tính chất xung đột của hai loại hình công việc này. Một bên là công trường xây dựng lớn, tập trung hàng nghìn công nhân cùng làm việc với tiến độ gấp gáp rất dễ dẫn đến sự xáo trộn mặt bằng. Một bên là di tích Hoàng thành Thăng Long với hàng trăm nghìn hiện vật rất dễ bị tổn thương cần được nâng niu bảo quản hết sức nghiêm cẩn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy hình như việc điều hành hai công việc có tính chất xung đột cao này chưa được như mong muốn.
Bộ VH,TT&DL vừa có Công văn số 2431/BVHTTDL gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”. Đặc biệt, công văn yêu cầu bổ sung phương án tổ chức quản lý, vận hành, sự phối hợp của cơ quan vận hành với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. |
Con đường tạo ra lằn ranh giữa khu di sản cần được bảo tồn với Nhà Quốc hội thực chất là một giải phân cách mềm. Dưới đó là những di chỉ chưa được khai quật. Thế nhưng ban QLDA đã tiến hành thi công, cho đào sâu làm móng đường mà không có khảo sát di tích theo đúng Luật Di sản. Diện tích di tích bị xâm phạm khoảng 450m2.
Việc huy động cùng lúc hàng nghìn công nhân xây dựng không có hiểu biết về di tích làm việc ngay cạnh một di sản văn hóa có giá trị lại chưa được xử lý theo các phương pháp bảo quản cần thiết nên việc bị xâm hại như rác thải, vật liệu vứt ra bừa bộn, nhiều nhà vệ sinh công cộng tạm thời dựng ngay trong khu di tích… là điều đã xảy ra. Hơn nữa, do đơn vị quản lý Di tích không được phép vào xử lý chuyên môn nên các hố khai quật đều bị ngập nước đang hàng ngày hủy hoại di tích.
Bộ trưởng hứa sẽ khẩn trương xử lý vấn đề này
GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cho biết, khu di tích đã được làm mái cách xa chỗ xây dựng thì không bị ảnh hưởng, còn những khu mới khai quật sau này và chưa có điều kiện để gia cố, làm mái bảo quản thì đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau khi bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA, theo như tôi được biết, đơn vị quản lý di tích (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long) đã không được tạo điều kiện tiếp cận di tích. Các cán bộ chuyên môn và có trách nhiệm phải qua những thủ tục rất khó khăn mới được vào trong chính khu đất họ có quyền quản lý về chuyên môn. Khi di tích bị xâm hại, hố khai quật bị ngập nước, họ cũng đành chịu.
“Về mức độ tổn hại của các hiện vật ở các hố khai quật của những khu bị ngập thì phải hút nước lên mới biết được” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang khẳng định.
Khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, khi trở thành di sản văn hóa thế giới, nếu Việt Nam không thực hiện cam kết, tuân thủ các quy định bảo tồn của UNESCO mà vẫn để tình trạng xâm phạm kéo dài không khắc phục thì sẽ dẫn đến việc không mong muốn và hậu quả khôn lường là bị rút danh hiệu đó. Trên thế giới có nhiều trường hợp đã bị UNESCO rút danh hiệu. Đó là những lời cảnh tỉnh cho chúng ta.
Trước đó, ngày 18/7/2014, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Bộ Xây dựng và các bên liên quan.
Hiện nay, chúng tôi mới thấy phản hồi chính thức từ Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ngay sau khi nhận kiến nghị, ông đã có công văn trả lời, đồng thời yêu cầu cho kiểm tra, đánh giá và sớm khắc phục hậu quả do những vi phạm gây ra đối với khu di sản. Ủy ban cũng đề nghị các bên tuân thủ nghiêm ngặt luật Di sản văn hóa và công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. “Sáng qua (30/7), tại lễ trao bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn trong chương trình ký ức nhân loại, GS. Phan Huy Lê và tôi đã nêu vấn đề này với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh và ông cũng hứa sẽ khẩn trương xử lý vấn đề này” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang nói.
Lý Phạm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận