Hai mẹ con Bình hạnh phúc sau ca mổ ghép phổi thành công ở Bệnh viện Quân y 103 |
Lần đầu tiên biết niềm vui Tết về
Mùng 10 Tết Mậu Tuất, chị Phàn Thị Tâm dắt con trai Ly Chương Bình từ Hà Giang trở về Học viện Quân y (ở quận Hà Đông, Hà Nội) để học tập, điều trị. Mệt mỏi sau chặng đường dài hơn 10 tiếng đồng hồ từ quê nhà trở lại Thủ đô, nhưng ánh mắt chị Tâm lấp lánh niềm vui khi nhìn cậu con trai nhỏ tung tăng cười nói, hết đá bóng lại nhảy lò cò, rồi hăng hái nằm sấp xuống sàn chống đẩy cả chục cái liền. “Chưa bao giờ mẹ con em vui như bây giờ, lần đầu tiên từ khi sinh ra, Bình được đón một cái Tết vui - khỏe, em và cả nhà cũng vui lây. Trước ca mổ, cháu hầu như chỉ nằm li bì, thở cũng đã khó, nói gì vận động”, chị Tâm kể bằng giọng Kinh lơ lớ.
Bình cũng toét miệng cười theo, em kể: “Bình về quê ăn Tết, ông bà cứ cười ngắm Bình mãi thôi. Bà bảo từ bé đến giờ mới thấy Bình đi được, chạy nhảy được, cười nói được, vui quá mà lạ quá nên ngắm nhiều mà không chán”.
Ngày 23/2/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen các kíp phẫu thuật của Học viện Quân y, Bệnh viện 103 cùng các chuyên gia Nhật Bản đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người. Theo Thủ tướng, sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng của nền y học Việt Nam. |
Nhìn Bình ngày hôm nay, mới thấy được sự kỳ diệu mà tiến bộ của y học mang lại. Chị Tâm nhớ lại, từ khi mới hơn 2 tháng tuổi, Bình bắt đầu ốm nặng với những cơn ho hen thường xuyên, rất còi cọc, biếng ăn, khó thở. Nhà nghèo lại ở vùng sâu, vùng xa, nên gia đình chỉ tìm thuốc lá cho bé uống. Mãi khi lên 3 tuổi. Bình được đi khám lần đầu tại bệnh viện huyện, thế nhưng điều trị trong viện cả tuần, bệnh tình cũng không đỡ nên gia đình lại đưa bé về.
Bình ngày càng bệnh nặng, tới năm 2016, bé càng ốm yếu, khò khè và rất khó thở, mệt mỏi, ăn uống kém. Điều trị ở bệnh viện huyện và Bệnh viện tỉnh Hà Giang không tiến triển, Bình được chuyển xuống Bệnh viện Nhi T.Ư và lúc này, Bình mới được chẩn đoán bị giãn phế quản lan tỏa bẩm sinh cả hai phổi. Bình được chuyển tiếp sang Bệnh viện Quân y 103.
Sau nhiều cuộc hội chẩn với các chuyên gia Nhật Bản, Bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 chỉ định Bình phải thay phổi, bởi lúc này cuộc sống của Bình chỉ tính được bằng tháng. Phổi của Bình đã hỏng cả 2 bên, do vậy phải có 2 người cho phổi cùng một lúc. Ghép phổi cùng huyết thống thì có nhiều thuận lợi về mặt miễn dịch và kết quả ghép tốt hơn, nên các bác sỹ tư vấn người thân trong gia đình nên hiến tặng phổi cho bé.
Các bác sỹ và bé Bình tại phòng hồi sức sau khi ghép phổi |
Ca mổ lịch sử của ngành y nước nhà
Có chỉ định điều trị rồi, nhưng để thuyết phục được gia đình Bình đồng ý với ca mổ này là cả một hành trình gian nan. Gia đình Bình ở vùng cao, nghe đến mổ xẻ là đã sợ. Họ cho rằng “sinh tử thuận ý trời”, lại nghe nói phải lấy phổi của hai người thân mạnh khỏe để cho bé thì càng lo sợ, không đồng ý.
Học viện Quân y đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương nhiều lần lặn lội tới tận nhà Bình để tư vấn, tuyên truyền, vận động. Theo các bác sỹ, phổi gồm 2 buồng phổi, trong đó buồng phổi bên trái gồm 2 thùy, buồng phổi bên phải có 3 thùy. Phổi chỉ còn một thùy có thể giãn nở chiếm đầy khoang phổi (có thể cắt một thùy bên trái hoặc bên phải), các chức năng phổi phục hồi rất nhanh. Hiện nay, trong điều trị cho bệnh nhân các bác sỹ vẫn tiến hành cắt một bên thùy phổi. Với trẻ con, ghép một phần phổi của người lớn cũng đủ để bé phát triển bình thường.
Lúc này, chị Tâm xin hiến phổi cho con, nhưng các bác sỹ khuyên nên lấy phổi của nam giới, cụ thể là bố và một người thân cùng huyết thống khác thì tốt hơn. Sau nhiều lần vất vả đi lại, thuyết phục, anh Ly Cù Giàng (28 tuổi, bố bé Bình) và người bác ruột (30 tuổi) đã đồng ý hiến một phần phổi để cứu sống bé Bình.
Ngày 21/2/2017, ca ghép phổi từ người sống cho người sống đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện 103, do Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Ca mổ kéo dài 11 giờ đồng hồ, lá phổi của Bình được tạo nên từ một phần phổi của bố và bác ruột.
Một tháng sau ca ghép phổi, sức khỏe của anh Giàng và anh trai đều bình phục tốt, được xuất viện về nhà. “Tôi tăng lên vài cân so với trước khi mổ”, anh Giàng khoe. Nhìn con trai bình phục từng ngày, anh Giàng mừng trào nước mắt: “7 năm từ khi chào đời đến trước ca mổ, Bình thường xuyên đau yếu, tôi tưởng con khó có cơ hội sống. Các bác sỹ đã sinh ra con tôi lần thứ hai”.
Mầm sống trỗi dậy
Sau khi ca mổ thành công, Bình phải thở máy 3 ngày, sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực và các thuốc chống thải ghép đến khi có khả năng tự thở thì rút ống nội khí quản. Sau đó, Bình tiếp tục được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập, thở ôxy dòng cao liều giảm dần rồi mới cho thở ôxy thường. Sau 15 ngày, Bình đã bỏ thở ôxy hoàn toàn, nhưng vẫn sống phòng vô trùng của Bệnh viện 103. Trong phòng bệnh treo một bảng chữ số, các bác sĩ dạy Bình học.
“Trước đây, tuy đã 7 tuổi nhưng Bình chưa biết chữ vì mỗi khi Bình tập trung viết là lại khó thở, vì vậy phải nghỉ học sớm. Bố cháu cũng không biết chữ, giờ đến bệnh viện Bình mới được các bác sỹ dạy chữ”, chị Tâm chia sẻ.
Tới tháng 9/2017, Bình được rời khỏi phòng vô trùng và lần đầu tiên, được đặt chân đến trường học nhờ các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 xin cho. “Bình học lớp 1 trường tiểu học Văn Yên. Bình 8 tuổi, bé nhất lớp nhưng nhiều tuổi nhất lớp đấy. Bình học cô Hương, cô yêu Bình lắm, hôm qua cô cho Bình 7 điểm”, Bình líu ríu kể.
Âu yếm nhìn con, chị Tâm xúc động: “Học viện Quân y, Bệnh viện 103 là nơi cứu sống, là ngôi nhà thứ hai của mẹ con tôi. Từ ca mổ của Bình được thực hiện miễn phí, nghe nói trị giá cả tỷ đồng, rồi suốt 7 tháng điều trị trong phòng vô trùng với rất nhiều loại thuốc, thuốc thải ghép đắt lắm. Không chỉ có thế, mẹ con tôi được Học viện cho ở miễn phí, bệnh viện nuôi ăn miễn phí cả ba bữa từ ngày ấy đến nay, mà Bình phải ăn chế độ đặc biệt, giàu dinh dưỡng. Hồi Bình nhập viện chỉ nặng hơn 10kg mà đến nay con đã được 19kg. Học viện còn bố trí cho tôi làm đóng gói thuốc ở Trung tâm Nghiên cứu thuốc, lương 3 triệu đồng/tháng, tôi chỉ tiêu hết hơn 1 triệu, còn lại gửi về cho chồng nuôi con ở nhà”.
Đại tá, PGS. TS. Bùi Văn Mạnh, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu, Học viện Quân y cho biết, ca mổ của Bình là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép phổi, đây là một kỹ thuật mới và khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay.
“Trong lịch sử 25 năm ghép tạng của Bệnh viện Quân y 103, chúng tôi mới thực hiện được ca ghép phổi đầu tiên này. Quá trình điều trị và chăm sóc cho cháu Bình, bệnh viện đã huy động lực lượng chuyên môn tới 17 bác sỹ, điều dưỡng viên thường xuyên bên bệnh nhân 24/24h. Bởi với ca mổ này, công tác hồi sức cho bệnh nhân cực kỳ khó khăn, chỉ cần thiếu một chút ôxy là người cháu sẽ tím đen lại, hoặc chỉ cần một tác động rất nhỏ cũng có thể gây thiếu ôxy trầm trọng, chức năng sống đã thay đổi”, Đại tá Mạnh thông tin.
Được biết, ghép phổi không chỉ đòi hỏi về chuyên môn giỏi mà còn phải có kinh nghiệm về công tác tổ chức, cơ sở vật chất và kỹ thuật đầy đủ và đồng bộ nhất. Khi một bệnh nhân mắc ung thư phổi, ở nhiều bệnh viện trong nước các bác sỹ có thể cắt 1 đến 2 thùy phổi hoặc một bên phổi thì bệnh nhân vẫn sống, không cần ghép. Nhưng Bình được ghép cả 2 phổi cùng một lúc. Sau khi được ghép phổi thành công, Bình có cuộc sống như một người bình thường, tuổi thọ đến 70 - 80 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận