Kết quả bầu cử đầu tiên trên cả nước được niêm yết bằng tay ở ngôi làng Dixville Notch, bang New Hampshire ngày 8/11. Ảnh: Reuters |
Đúng 6h sáng 8/11 (18h theo giờ VN), tất cả các điểm bỏ phiếu ở Mỹ bắt đầu mở cửa phục vụ người dân đi bầu. Trong hôm nay (9/11), người Mỹ và thế giới sẽ biết ai là Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Cả hai không hấp dẫn
Diễn biến bầu cử tỏ ra khá khó lường tại một số điểm bầu cử đầu tiên. Đúng 0h ngày 8/11 (tức 12h theo giờ VN), theo truyền thống, người dân làng Dixville Notch, bang New Hampshire đã đi bầu cử từ lúc nửa đêm. Những lá phiếu đầu tiên ở thị trấn này cho thấy bà Clinton thắng ông Trump 4-2. Trong khi tại thị trấn Hart’s Location cũng thuộc bang New Hampshire, bà Clinton thắng ông Trump với số phiếu là 17-14. Tại thị trấn thứ ba của New Hampshire, Millsfield, ông Trump lại thắng áp đảo bà Clinton với số phiếu 16-4. Như vậy, ở bang này ông Trump đang dẫn trước bà Clinton 32-25.
Theo thống kê, từ năm 2000 - 2012, tỷ lệ ứng viên chiến thắng ở bang này cũng chiến thắng chung cuộc lên tới 75%. Cụ thể, chỉ trừ năm 2004, ứng viên John Kerry thắng ở bang này nhưng lại thất bại, những người còn lại trúng cử là: George W. Bush (2000); Barack Obama (2008 và 2012).
Trong những giờ cuối cùng của ngày 7/11, bà Clinton vẫn chạy show vận động tranh cử ở Michigan và Florida, còn ông Trump vận động ở Florida, Pennsylvania, New Hampshire và Michigan. Trả lời Báo Giao thông, chị Châu Đinh – một người Việt 40 tuổi sống tại Georgetown, Virginia cho biết: “Đối với cuộc bầu cử năm nay, không ít người dân Mỹ tỏ ra lưỡng lự khi lựa chọn giữa hai ứng viên, bởi cả hai đều… không thực sự hấp dẫn. Bản thân tôi là một người Việt sống hợp pháp trên đất Mỹ, tôi ủng hộ bà Clinton, bởi các chính sách ngoại giao của bà sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam”.
Tại khắp các bang, an ninh được tăng cường tối đa; Đặc biệt tại New York, nơi cả hai ứng cử viên sẽ tổ chức tiệc ăn mừng nếu giành chiến thắng.
Cá độ ai trúng cử
Clinton - Trumpd |
CBC News dẫn lời người phát ngôn của Tập đoàn Xổ số Thủ đô Mỹ (BCLC), Doug Chen cho hay: Số tiền đặt cược cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đã vượt quá giá trị của các sự kiện diễn ra trong ba năm qua, kể cả giải siêu xổ số Superbowl lớn nhất nước Mỹ. Cũng theo ông Chen, điều này cho thấy sự quan tâm và cả sự… lưỡng lự của người Mỹ đối với người kế nhiệm ông Obama, cũng như sức nóng của cuộc bầu cử năm nay. Còn giới phân tích cho rằng, việc người Mỹ đặt cược số tiền lớn như vậy cho bầu cử Tổng thống, chứng tỏ diễn biến bầu cử năm nay rất khó lường.
Theo BCLC, tới hôm qua, có khoảng 48% số người chơi đặt cược cho ông Trump – khoảng 721 người với tổng số tiền là 142.000 USD. Trong trường hợp ông Trump thắng, những người này sẽ nhận lại tổng số tiền là 534.000 USD. Tỷ lệ cược hiện tại cho ông Trump là 7/4. Trong khi đó, khoảng 36% người chơi đặt cược cho bà Clinton – khoảng 546 người với tổng số tiền là 243.000 USD. Trong trường hợp bà Clinton thắng, những người này sẽ giành lại tổng số tiền là 311.000 USD. Tỷ lệ cược hiện tại cho bà Clinton là 17/50.
Các cường quốc thích ai?
Như cả thế giới, châu Âu rất quan tâm và nóng lòng chờ xem ai sẽ là tân Tổng thống Mỹ. Truyền thông châu Âu tỏ thái độ ủng hộ công khai bà Hillary Clinton. Tờ Les Echos (Pháp) đăng bình luận của ông Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt thuộc Viện Montaigne rằng: “Mỹ sẽ phải lựa chọn một vị Tổng thống hợp lý. Và đó không thể là ông Trump”. Thậm chí, Đại sứ một nước thành viên EU tại Brussels, Bỉ nhận định: “Việc Donald Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ là một thảm họa và sẽ tạo ra một thách thức mang tính sống còn với Liên minh châu Âu, điều mà chúng tôi e ngại là EU không đủ sức để đối mặt vào thời điểm này”. Với bà Clinton, EU sẽ có được sự đảm bảo về tính tiếp nối chính sách từ thời Barack Obama. Bà Clinton nói trong cuốn hồi ký của mình rằng “quan hệ đồng minh với châu Âu đáng quý hơn vàng”.
Kênh ABC của Australia dẫn kết quả một cuộc khảo sát ý kiến của người dân TP Bắc Kinh và Hàng Châu (Trung Quốc), phần đông người được hỏi bày tỏ ủng hộ Donald Trump. Và phần lớn số này thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu, những người có học vấn và thành đạt. Trước đó, theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), người dùng internet nước này coi bà Clinton là “chính trị gia Mỹ đáng ghét nhất”. Nguyên do được giới phân tích cho rằng, cựu Ngoại trưởng Mỹ rất rành về chính sách đối ngoại, có kinh nghiệm đối phó với Bắc Kinh và lập trường cứng rắn về biển Đông – chẳng khác nào “cái gai” trong mắt người Trung Quốc.
Còn theo khảo sát tại 45 nước của Viện Nghiên cứu Bắc Mỹ WIN/Gallup cho thấy, Nga là nước duy nhất mà ông Trump được nhiều người ủng hộ hơn bà Clinton: 33% người được hỏi ủng hộ ông Trump, 10% ủng hộ bà Clinton. Ông Valeri Fiodorov, Giám đốc Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Nga bình luận: “Trong bối cảnh Mỹ - Nga đang đối đầu mạnh mẽ, câu trả lời của người dân Nga là hoàn toàn có thể dự đoán. Họ chọn ứng viên thể hiện công khai cảm tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, còn “bà Clinton được coi là sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Obama”, theo RFI ngày 7/1.
Đại cử tri quyết định ai là Tổng thống Trên thực tế, các đại cử tri mới là người quyết định ai là Tổng thống. Ứng viên nào giành được tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử. Tuy nhiên, nếu không có ứng viên tổng thống nào quá bán thì hai người có số phiếu cao nhất sẽ được gửi lên Hạ viện. Tại đây, tổng thống được bầu theo đa số dựa trên cơ sở mỗi bang một phiếu và ứng cử viên nào được 26 phiếu sẽ đắc cử. Với vị trí Phó tổng thống, nếu không có ứng cử viên nào được quá bán, Thượng viện sẽ chịu trách nhiệm bầu lại. Năm nay, cử tri đoàn sẽ họp vào ngày 19/12 để bầu Tổng thống Mỹ. Do vậy, kết quả bầu cử công bố hôm nay sẽ chỉ là kết quả sơ bộ, chưa được xem là kết quả chính thức. Tuy nhiên, theo thông lệ, có tới 90% kết quả cử tri đoàn sẽ trùng với kết quả sơ bộ. Đến nay, chỉ 4 lần kết quả phiếu phổ thông không tương đồng kết quả của 538 phiếu đại cử tri. Lần gần nhất là năm 2000, giữa hai ứng viên George Bush và Al Gore. Ông Gore thắng khoảng nửa triệu phiếu phổ thông nhưng ông Bush lại thắng 271 phiếu đại cử tri và trở thành Tổng thống thứ 43. Theo dự đoán của CNN, tính đến 18h chiều qua, bà Clinton đang có 268 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump có 204 phiếu. 66 phiếu đại cử tri còn lại được chia cho 5 tiểu bang chưa ngã ngũ gồm: Arizona (11 phiếu), Florida (29 phiếu), Nevada (6 phiếu ), Nebraska 2nd Congressional District (1 phiếu), New Hampshire (4 phiếu) và Bắc Carolina (15 phiếu). Bà Clinton chỉ cần thắng thêm 1 trong 5 tiểu bang trên là có thể cán đích 270 phiếu đại cử tri, còn ông Trump muốn thắng thì bắt buộc phải thắng ở cả 5 tiểu bang. * Một phần quan trọng không kém trong cuộc bầu cử lần này, là việc bầu 435 ghế Hạ viện và 34/100 ghế Thượng viện. Năm nay, dư luận cũng “nín thở” xem Đảng Cộng hòa hay Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát lưỡng viện, bởi nếu bà Clinton đắc cử Tổng thống, cùng với việc Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội, chẳng khác nào “song hỷ lâm môn”. Ngược lại, nếu ông Trump đắc cử Tổng thống và Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ghế ở lưỡng viện như hiện nay, người Mỹ và thế giới hẳn sẽ có nhiều thứ cần bàn thảo. Cạnh tranh để được bỏ phiếu sớm Nước Mỹ rộng lớn trải dài trên 6 múi giờ khác nhau, nên khi người dân làng Dixville Notch, bang New Hampshire – một trong những nơi đầu tiên trên cả nước đi bầu cử thì còn rất nhiều bang khác vẫn chưa bước sang ngày 8/11. Có một câu chuyện thú vị về truyền thống bỏ phiếu sớm ở ngôi làng có số dân ít ỏi chỉ vừa đủ một căn phòng bầu cử. Làng nằm cách biên giới Canada khoảng 20 dặm về phía Nam. Năm 1960, một công dân hăng hái của làng Dixville Notch (bang New Hampshire) có tên Neil Tillotson - người bỏ lá phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử năm đó. Hình ảnh ông Tillotson cầm lá phiếu bỏ vào thùng khi kim đồng hồ chỉ 0h - thời khắc đầu tiên của ngày bầu cử năm 1960 đã trở thành niềm tự hào của cư dân ngôi làng Dixville Notch và là hình ảnh nổi tiếng về quyền công dân của người Mỹ. Năm 2001, ông Tillotson qua đời ở tuổi 102. Từ đó tới nay, người vinh dự bỏ lá phiếu đầu tiên sẽ được nước Mỹ chọn ngẫu nhiên tại bang New Hampshire và làng Dixville Notch phải cạnh tranh với các làng khác để có được quyền đó. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận