Nước sông Vu Gia, Thu Bồn lên cao khiến nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu. Ảnh: Quốc Nhựt |
Mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập
Ghi nhận tại huyện Đại Lộc- "rốn lũ" của Quảng Nam, mưa lớn kéo dài ngày và đêm 1/11 khiến nhiều tuyến đường, địa điểm trên địa bàn bị ngập sâu. Tuyến cầu bắc qua sông Vu Gia nối hai thôn Tân An - Tân Hà của xã Đại Lãnh đã ngập sâu trong nước; khu vực Ba Khe bị ngập sâu gần 1m. Tại những vùng trũng thấp này, phương tiện qua lại không thể lưu thông, bị chết máy hàng loạt, người dân muốn lưu thông phải đi ghe, xuồng.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường (Đại Lộc), tuyến đường liên thôn sát sông Vu Gia đã bị ngập sâu trong nước; riêng thôn 10 đã bị cô lập hoàn toàn với khu vực trung tâm xã do tuyến giao thông độc đạo dẫn tới thôn đã bị ngập sâu. Đến thời điểm hiện tại, người dân các thôn phải dùng ghe, thuyền để đi lại hay vận chuyển đồ đạc, tài sản tránh lũ.
Mưa lớn kéo suốt ngày và đêm 1/11, khiến tuyến đường DT 609 nối hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc, đoạn nằm dưới chân cầu Bình Long bắc qua địa phận thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, bị ngập sâu, có đoạn lên đến vài mét gây khó khăn cho các phương tiện và người qua lại. Để vượt qua những đoạn đường ngập nước, nhiều người thuê xe bò chở cả người và phương tiện, với giá 10 – 20.000 đồng/lượt.
Mưa lớn đã khiến tuyến đường DT 609 nối 2 huyện Điện Bàn và Đại Lộc bị ngập sâu |
Nhiều tuyến đường giao thông giữa các xã vùng tây Nông Sơn (Quảng Nam) bị ngập 0,5 - 1,5m như cầu Khe Rinh (Phước Ninh); cầu Khe Phốc (Quế Ninh); cầu Nàm Anh, Khe Sé, Nhu Sơn (Quế Lâm); đặc biệt là tuyến đường liên xã Quế Trung - Quế Lâm - Quế Phước.
Tại xã Phước Ninh mưa lớn làm giao thông trên địa bàn bị chia cắt hoàn toàn, tuyến đường ĐH đi qua địa phận xã bị ngập 0,5 - 1m tại cầu Khe Rinh. Tuyến đường giao thông trong xã Quế Sơn cũng bị chia cắt hoàn toàn, trong đó cầu Khe Sé, cầu Nàm Anh, cầu Nhu Sơn ngập sâu hơn 1m.
Đặc biệt, đoạn đường ĐH từ cầu treo xã Quế Lâm đi thôn Tứ Trung 1 bị sạt lở phần taluy âm, hơn 10m3 đất đá đổ xuống đường. Hiện các trường học trên địa bàn đã thông báo cho học sinh nghỉ học.
Thủy điện dồn dập xả lũ
Đáng lo ngại từ đêm 1/11 đến chiều 2/11, liên tiếp các thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 4A rồi Đak Mi 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiến hành xả lũ xuống hạ du sông Vu Gia.
Nhiều tuyến đường giao thông tại huyện Nông Sơn bị ngập sâu từ 0,5 - 1m. Ảnh Thông Vinh |
Sáng 2/12, Công ty CP Phú Thạnh Mỹ thông báo về việc xả tràn điều tiết hồ chứa thủy điện Sông Bung 4A, thay đổi lưu lượng xả tràn. Lúc 2 giờ 30 phút ngày 2/12, mực nước thượng lưu đạt 97,39m, mực nước hạ lưu là 64,70m, Q về là 820m3/s, Q máy là 170m3/s. Đến 5 giờ cùng ngày, lưu lượng xả tràn của thủy điện Sông Bung 4 dự kiến từ 100-1.250m3/s.
Trước đó, đêm 1/11, thủy điện Sông Bung 4 (Nam Giang) đã chủ động vận hành hồ chứa thủy điện để duy trì mực nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ. Cụ thể, lúc 23 giờ ngày 1/11, mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4 là 217,5m, Q về (m3/s) là 1.200 m3/s, Q máy là 170 m3/s, lưu lượng chảy qua đập tràn (Q tràn) là 77-1.200 m3/s.
Ngay trong đêm 1.11, UBND huyện Đại Lộc đã phát đi Thông báo số 635/TB-UBND về việc vận hành hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 4 đến nhân dân và các đơn vị liên quan. Theo đó, UBND huyện Đại Lộc yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tăng cường theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ và tình hình vận hành của thủy điện Sông Bung 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin kịp thời đến nhân dân được biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận