Vấn đề này được đặt ra khi Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (VN) đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao VN thông báo về việc tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của nước ta được cấp từ ngày 1/7 vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Theo thông tin cập nhật ngày 28/7, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi với phía Đức qua đường ngoại giao để sớm có cách giải quyết. Trong thời gian này, A08 và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại VN vẫn cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới như bình thường.
Đại diện A08 khẳng định hộ chiếu phổ thông mẫu mới được cấp theo đúng quy định của pháp luật VN và đạt tiêu chuẩn Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Ngoài ra, trên thực tế, hộ chiếu của nhiều nước trên thế giới cũng không có mục thông tin về nơi sinh nhưng vẫn đang được công nhận.
Vậy, ICAO đang quy định tiêu chuẩn hộ chiếu như thế nào và có nước nào trên thế giới không có mục thông tin về nơi sinh?
Theo văn bản hướng dẫn số 9303 về tiêu chuẩn hộ chiếu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu đó là loại hộ chiếu, tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, các thông tin như nơi sinh là tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.
ICAO lưu ý, khi cân nhắc đưa vào hoặc bỏ qua thông tin nơi sinh, mỗi quốc gia cần phải xem xét cân nhắc kỹ tất cả vấn đề liên quan.
Ảnh minh họa hộ chiếu phổ thông mẫu mới.
Với một số quốc gia, nơi sinh là một trong những thông tin quan trọng nhất, nếu không có thông tin này, một số quốc gia sẽ từ chối chấp nhận hộ chiếu, thậm chí từ chối nhập cảnh. Lý do là vì với họ, việc thiếu thông tin này có thể là mối đe dọa an ninh.
Mục thông tin nơi sinh cùng với tên, họ, ngày sinh và một số thông tin sinh trắc học khác như (dấu vân tay, đặc điểm khuôn mặt…) thường được dùng để kiểm tra chéo với cơ sở dữ liệu quốc tế về nghi phạm hoặc tội phạm khủng bố.
Một lý do quan trọng khác nữa là thông tin này không bao giờ thay đổi kể cả bạn có nhiều hộ chiếu và do các quốc gia khác nhau cấp.
Việc thông tin ngày sinh và nơi sinh của từng cá nhân không bao giờ thay đổi sẽ giúp xác định sự khác biệt của từng người. Nhiều nước như Mỹ cho rằng, nếu thiếu hoặc trống thông tin này, một số cá nhân có thể lợi dụng để che giấu danh tính. Chẳng hạn một cá nhân X có thể sinh ra ở Iran nhưng đã nhập quốc tịch Mỹ.
Ở Mỹ, cách đây ít lâu, có một nghiên cứu được đệ trình lên Quốc hội nước này đề nghị xóa thông tin nơi sinh vì lo ngại một số công dân Mỹ được sinh ra ở một số quốc gia khác có thể bị quấy rối chính trị hoặc bạo lực về thể chất vì thông tin nơi sinh trên hộ chiếu Mỹ.
Mối lo ngại này đã tăng cao trong vài năm gần đây khi tình hình khủng bố quốc tế gia tăng và người Mỹ rất dễ bị phân biệt chỉ vì nơi sinh.
Tuy nhiên ở Mỹ, nước này vẫn bắt buộc phải có nơi sinh trên hộ chiếu vì đây là một phần để xác định danh tính cá nhân, phân biệt những người có cùng tên tuổi, ngày tháng năm sinh, hỗ trợ công tác xác định khi có người muốn sử dụng danh tính của người khác.
Năm 1986, hai quốc gia Canada và Áo đã có động thái liên quan tới việc thay đổi thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu.
Canada cho phép tùy chọn để trống phần nơi sinh.
Canada cho phép công dân tùy chọn xóa nơi sinh nhưng tương đối ít người lựa chọn phương án đó. Khi cho phép người dân tùy chọn, Chính phủ Canada cũng cảnh báo một số vấn đề có thể gặp phải khi bỏ thông tin nơi sinh trên hộ chiếu như: gặp rắc rối hoặc thậm chí bị từ chối cấp visa; chậm trễ trong quá trình nhập cảnh; bị từ chối nhập cảnh vì một số quốc gia vẫn cần thông tin nơi sinh.
Tại Áo, nước này đã bỏ thông tin nơi sinh trên toàn bộ hộ chiếu. Giới chức Áo khẳng định không có phản hồi từ dư luận liên quan tới vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận