Hàng loạt phương tiện chờ đợi trước cổng thu phí Brebes trong vụ tắc đường kéo dài 20km tại TP Brebes vừa qua |
Indonesia thường xuyên chứng kiến nhiều vụ tắc đường kinh khủng mỗi khi hàng triệu người quay trở về quê để mừng lễ Lebaran, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan - lễ hội lớn nhất trong năm của người Hồi giáo.
Ùn tắc 20km, 12 người người thiệt mạng
Tuy nhiên, năm nay tắc đường nghiêm trọng hơn cả, kéo dài trong ba ngày từ 3-5/7 khi khoảng 10 nghìn ô tô chen chúc trên trục đường chính nối Thủ đô Jakarta với TP Brebes, quần đảo Java.
Sau hàng loạt thông tin trái chiều về số người thiệt mạng trong ba ngày, ngày 8/7, Người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia Hemi Pramuraharjo chính thức xác nhận "12 nạn nhân thiệt mạng vì tắc đường rải rác trong suốt ba ngày, chứ không phải chỉ trong một ngày như các thông tin đã đăng tải trước đó”, theo AP.
Theo ông Pramuraharjo, một số nạn nhân thiệt mạng do già yếu, một số khác do quá mệt mỏi, thiếu nước, thực phẩm và số còn lại do biến chứng về sức khỏe. Trong khi đó, chính quyền địa phương chỉ ra nguyên nhân gây ùn tắc kéo dài 20km do lượng xe tham gia giao thông tăng đột ngột và ùn tắc ở trạm thu phí.
Tắc đường tại các trạm thu phí đang là vấn đề nan giải mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng có thể giải quyết trong vòng hai năm tới. Theo ông Widodo, hạ tầng tại các trạm thu phí còn thô sơ, lạc hậu đang từng bước được hiện đại trong khi lượng xe tăng quá nhanh nên gây ra cảnh ùn tắc. Từ năm 2011, Indonesia bắt đầu kế hoạch lắp đặt các trạm thu phí tự động tại 5 thành phố lớn. Tuy nhiên, đến nay công nghệ này chưa được phổ biến rộng rãi vì vấn đề tài chính và hạ tầng phục vụ việc tự động hoá (như hệ thống thẻ ngân hàng).
Tạm thời, bên cạnh các đề xuất như tăng cường nhân viên thu phí trong những ngày lễ Tết; Không kéo dài ngày nghỉ để tránh tình trạng ồ ạt nhiều người di chuyển xa cùng lúc…, nhiều quan chức còn đề xuất miễn phí cao tốc để xe chạy thông suốt, không gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Không thu phí khi tắc đường trước trạm 5km
Để trấn an người dân, ngày 9/7, ông Agung Budi Maryoto, Giám đốc Thanh tra CSGT cho tăng cường thêm nhân lực, phối hợp với đơn vị điều hành và cam kết kịp thời mở cửa cho các phương tiện, không thu phí khi tắc đường trước trạm lên tới 5km.
Việc mở barie miễn phí sẽ gây thiệt hại cho các cơ quan thu phí, nhất là trong những dịp “xe đông như kiến”. Song, Chủ tịch Ủy ban Giám sát hạ tầng và giao thông Hạ viện Yudi Widiana Adia đưa ra một số lý do buộc các nhà thu phí phải mở barie. Theo ông, đảm bảo thời gian đi lại là một trong những điều các nhà điều hành đã cam kết trong tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu đối với đường thu phí mà Chính phủ Indonesia đề ra. Theo đó, đối với các đường thu phí trong và ngoài thành phố phải đảm bảo xe cộ di chuyển với tốc độ tương đương 40km/h và 60km/h. Ngoài ra, thời gian làm thủ tục tối đa đối với mỗi xe qua cửa thu phí thủ công chỉ 5-9 giây; Còn đối với các cổng thu phí tự động chỉ là 4 giây.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát hạ tầng và giao thông Yudi kêu gọi Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông và CSGT Quốc gia phải phối hợp để giảm thiểu tắc đường chứ không chỉ chỉ tay năm ngón trong những tình huống cấp bách như vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận