Vùng triều nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) |
Như Báo Giao Thông đưa tin, ngày 31/12/2016, các hộ nuôi tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) bắt quả tang cặp vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ (đều là người ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đang điều khiển tàu máy nhỏ chở 14 thùng phuy nhựa màu xanh, với dung tích khoảng 50 lít/thùng thực hiện hành vi đổ chất thải tẩy rửa chế biến hải sản (mai mực, da mực, nước thải sau sơ chế) xuống khu vực bãi nuôi ngao thuộc vùng triều xã Hải Lộc.
Chiếc tàu máy cùng tang vật liên quan đến việc đổ trộm chất thải xuống vùng nuôi ngao xã Hải Lộc |
Thời điểm bị bắt quả tang, cặp vợ chồng nói trên đã đổ xong 11 thùng phuy biển còn lại 3 thùng được người dân đưa về Công an xã Hải Lộc lập biên bản và niêm phong. Trong khi đó, nhiều ngày trước hiện tượng ngao của các hộ dân ở vùng triều xã Hải Lộc chết bất thường. Sự việc vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ đổ trộm chất thải, khiến người dân nuôi ngao bức xúc và nghi ngờ có liên quan đến ngao chết hàng loạt. Trước sự việc này, nhiều hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ tìm ra nguyên nhân dẫn tới ngao chết.
Ngay sau khi sư việc xảy ra, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, Công an đã về lấy các mẫu chất thải và mẫu nước ở khu vực bãi nuôi ngao để làm rõ sự việc.
Về nguyên nhân dẫn tới ngao chết hiện vẫn đang được cơ quan Công an và ngành chức năng tiếp tục làm rõ |
Ông Lê Văn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đã có kết quả phân tích mẫu nước biển và mẫu tang vật chất thải liên quan đến vụ ngao chết hàng loạt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Xét nghiệm bệnh và chỉ tiêu môi trường do Chi cục Thú y Thanh Hóa thu mẫu tại khu vực ngao chết gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy, ngao nuôi không mắc các bệnh ký sinh trùng Perkinsus - là bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết cho ngao và đã loại trừ nguyên nhân này, không công bố dịch.
Qua kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về chất thải ra môi trường đều vượt so với quy chuẩn Việt Nam, trong đó một số chỉ tiêu vượt cao như hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) cao hơn từ 1.500 đến hơn 1.900 lần; Hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) cao hơn từ 600 đến trên 800 lần; Hàm lượng chất Cadimi là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính mẫu cao nhất vượt trên 1.500 lần; Chất axit NH4+ cao hơn 128,5 lần so với quy chuẩn...
Được biết, ngày 8/1, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã gửi báo cáo kết quả phân tích các mẫu nước biển và chất thải làm ngao chết hàng loạt tại huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hóa tới Sở NN&PTNT để làm báo cáo gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Về nguyên nhân ngao chết có phải do lượng chất thải, nước thải mà vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ đổ ra khu vực nuôi ngao hay không thì lực lượng Công an huyện Hậu Lộc và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ.
Trước đó, vào ngày 6/1, Đoàn công tác của Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Viện Nuôi trồng Thủy sản I) đã tiến hành thu mẫu nước, đất, ngao chết và mẫu chất thải đang được niêm phong tại Ủy ban Nhân dân xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) để phân tích, kiểm tra và xác định nguyên nhân.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tượng ngao chết hàng loạt diễn ra tại các xã Hải Lộc, Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) diễn ra từ ngày 19/12/2016. Số lượng ngao chết nhiều từ ngày 21-23/12/2016 và chết rải rác vẫn đang tiếp diễn.
Cụ thể, tại xã Hải Lộc có 201/230 ha ngao chết với tỷ lệ chết khoảng 70%; xã Đa Lộc có 200/350 ha ngao chết, trong đó có 120ha tỷ lệ chết từ 30-70%, 80 ha có tỷ lệ chết trên 70%; tại xã Hoằng Trường có 12/12ha ngao chết tỷ lệ 15-40%.
Xem thêm vi deo:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận